(TSVN) – Năm 2024 mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng các chuyên gia cho rằng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ hồi phục tăng trưởng. Sự suy giảm trong năm 2023 có thể xem như là một năm “điều chỉnh” để tạo sức bật cho năm tới. Trong đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã chú trọng đến việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nhóm hàng này.
Ngày 18/2 (mùng 9 Tết), lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, Móng Cái (Quảng Ninh) có 95 phương tiện chở 925 tấn hàng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, trị giá hàng hóa là 3,7 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu, gồm hải sản tươi sống, hải sản đông lạnh và hoa quả. Đây là tín hiệu vui báo hiệu những thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập khẩu ngay từ những ngày đầu năm mới.
Trước đó, ngày 12/2 (mùng 3 Tết), cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái) đã thông quan trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Lực lượng chức năng tại đây đã làm thủ tục xuất khẩu gần 60 tấn hải sản tươi sống (bao gồm tôm hùm, cua biển) đối với 10 phương tiện vận tải thuộc 9 tờ khai, tổng kim ngạch là trên 781.000 USD.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 18/2, các cửa khẩu trên địa bàn gồm: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu liên vận ga quốc tế Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); cửa khẩu song phương Chi Ma (huyện Lộc Bình); cửa khẩu phụ Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, cửa khẩu Na Hình (huyện Văn Lãng) và cửa khẩu phụ Nà Nưa (huyện Tràng Định) đều bắt đầu thông quan hàng hóa bình thường. Trước đó, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và cửa khẩu phụ Tân Thanh (huyện Văn Lãng) đã thực hiện thông quan hàng hóa (có đăng ký trước), gần 13.000 tấn hàng nông sản đã được xuất khẩu qua biên giới.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, cơ quan hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương nơi có hàng nông sản xuất khẩu tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cơ quan hải quan đã xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW), nhằm tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Hạ tầng hệ thống logistics có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể nền kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống logistics thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; góp phần ổn định an ninh lương thực, đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội nước ta trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, so với sức sản xuất, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp hiện nay, hệ thống logistics vẫn còn là một điểm nghẽn trong kết nối giữa sản xuất và đưa nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế nói chung, thị trường các nước láng giềng như Trung Quốc nói riêng; kết nối vận chuyển đường bộ, đường biển, hàng không theo phương thức tiêu thụ truyền thống vẫn chưa thật sự hiệu quả, các phương thức tiêu thụ thông qua thương mại điện tử còn thiếu và hạn chế dẫn đến chi phí logistics còn cao, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt. Trong bối cảnh hiện nay và các năm tiếp theo còn nhiều yếu tố bất ổn, cơ hội và thách thức đan xen, việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, ngày 6/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, trong đó đặt ra yêu cầu cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho thương mại nông sản.
Tại Công điện này, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho thương mại nông sản. Trong đó, Bộ Tài chính được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho thương mại nông sản. Bộ Tài chính cũng cần chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc xây dựng và mở rộng mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh gắn với kiểm soát truy xuất nguồn gốc.
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan và nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính cần tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí trong dự toán chi của các bộ, cơ quan trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án về phát triển hệ thống logistics nông sản.
Thủ tướng giao Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp liên kết, hợp tác thiết lập chuỗi logistics nông sản, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm giảm chi phí logistics, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời huy động, khuyến khích các thành viên tham gia thực hiện các chuỗi cung ứng nông sản và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản từ vùng nguyên liệu tới thị trường tiêu thụ.
Vân Anh