Thâu tóm cổ phiếu để “mượn” đất

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Lý giải tại sao Công ty CP Hùng Vương (HVG) mua lại cổ phiếu của công ty Công ty CP Xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT), ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc HVG giải thích rằng, FBT đang nắm trong tay khoảng 1.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, một lợi thế mà không phải công ty nào cũng có được.

Đó chính là lý do HVG đưa ra kế hoạch mua FBT nhằm phục vụ cho “tham vọng” của Công ty trong những năm tới. Ngày 15/7, HVG đã mua 2.724.200/11.265.000 cổ phiếu FBT đang lưu hành, chiếm 24,18% cổ phần của Công ty này.

 

Tính toán táo bạo

Trong một hội thảo của ngành thủy sản, trước câu hỏi khi nào Hùng Vương trở thành tập đoàn của người viết bài này, ông Minh cho biết, Hùng Vương đang chuẩn bị những thứ cần thiết để trở thành một tập đoàn. Dĩ nhiên, Hùng Vương sẽ trở thành tập đoàn chuyên về thủy sản khép kín từ khâu sản xuất thức ăn thủy sản, nuôi trồng đến chế biến, chứ không đi theo hướng tập đoàn đa ngành, ít nhất trong những năm tới. Vì vậy, thông tin Hùng Vương mua lại cổ phần FBT trên sàn chứng khoán không làm bất ngờ.

Theo vị giám đốc này, một trong những khó khăn lớn nhất mà ngành thủy sản đang đối diện là thiếu nguyên liệu chế biến và khi HGV mua lại FBT thì sẽ thuyết phục ban lãnh đạo công ty đưa 1.000 ha vào nuôi tôm.

Do đó, sau khi trở thành cổ đông của FBT, Hùng Vương bỏ ra  250 tỉ đồng đầu tư vào 50 ha nuôi tôm. Khi đó, Hùng Vương không quá lo lắng về nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

 

Một thương vụ thành công?

Công ty CP XNK Lâm Thủy sản Bến Tre được thành lập từ năm 1994, chính thức chuyển sang công ty cổ phần vào năm 2007 và niêm yết tại  sàn Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng, với mã chứng khoán là FBT. Tuy nhiên, đầu năm 2010, FBT cùng 3 công ty khác bị HoSE vào diện cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế âm trong năm 2009, FBT lỗ 87 tỷ đồng. Và năm 2010, tình hình kinh doanh của FBT cũng không khả quan hơn. Điều này được thể hiện khi công ty mẹ là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký bán toàn bộ 4.924.200 cổ phần FBT (chiếm tỷ lệ 32,828%), từ ngày 11/5/2011 đến ngày 30/6/2011. Và đây trở thành cơ hội để HVG vào cuộc nhằm xây dựng “đế chế” của mình.

Đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về mức độ thành công của thương vụ này. Song nếu nhìn vào bản báo cáo tài chính của Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (AGF) trong năm 2010 với trước khi Công ty này được Hùng Vương mua lại thì thấy rằng, AGF đang ăn nên làm ra và mang về một lợi nhuận đáng kể.

Cụ thể, chỉ sau 1 năm Hùng Vương mua lại 51% cổ phần của AGF, AGF có doanh thu hơn 1.700 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2009, lợi nhuận trước thuế hơn 81,5 tỉ đồng, tăng 352% so với năm trước. Trong thương vụ FBT, ông Minh cũng tin tưởng rằng FBT sẽ là AGF thứ hai của mình.

 

>> Theo báo cáo tài chính Hùng Vương vừa công bố thì lũy kế 7 tháng đầu năm của Công ty đạt 4.539 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế là 324,9 tỉ đồng, bằng 72% kế hoạch. Chỉ tính riêng tháng 7, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty đạt 62 tỉ đồng.

Nguyễn Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!