EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết là cơ hội lớn để các sản phẩm thủy sản, nhất là con tôm mở rộng thị phần tại đây. Để hiện thực hóa điều này, các doanh nghiệp tôm Việt Nam cần phải thay đổi.
Tôm là một trong những mặt hàng được xem là có nhiều thuận lợi nhất khi EVFTA được ký kết; tuy nhiên, ngành hàng này vẫn còn những nút thắt cần phải tháo gỡ. Bởi, việc giảm thuế, phí khi hàng hóa Việt Nam thâm nhập châu Âu chỉ là sự hỗ trợ rất nhỏ. Vấn đề là doanh nghiệp, nông dân và cơ quan chức năng cần làm là có chính sách hỗ trợ để nâng tỷ lệ hạn điền cho nông dân sản xuất, doanh nghiệp đầu tư. Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng cho biết, một trong những rào cản trong sản xuất tôm ở Việt Nam chính là giá thành còn cao. Tại Sóc Trăng, đã có nhiều hộ nông dân áp dụng kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất tôm, nhưng số lượng không nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước, chưa đủ sức để vực giá cho ngành tôm nói chung. Do đó, song song với các FTA được ký kết, nông dân và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để sản phẩm tôm Việt giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh với tôm Ấn Độ và Thái Lan, Ecuador trên thị trường thế giới và ngay trên sân nhà.
Là đơn vị chuyên xuất khẩu tôm sang EU hơn 15 năm qua, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, EU đang chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu của Công ty. Các sản phẩm chế biến sâu của Thuận Phước xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế 18% nên khi được giảm còn 0% sẽ tạo lợi thế rất lớn. Nhưng theo ông Lĩnh, thuế suất về 0% không có nghĩa các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu sang EU một cách ồ ạt mà tùy thuộc năng lực sản xuất. Việc cần thiết và đặc biệt quan trọng đó là doanh nghiệp phải kiểm soát chất lượng đúng theo yêu cầu thị trường này; bởi, EU xử lý các vi phạm liên quan đến ATTP rất nghiêm, nếu phát hiện lô hàng vi phạm sẽ buộc tiêu hủy chứ không cho tái xuất. Do đó, doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng để tránh bị thiệt hại.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, muốn tôm vào các hệ thống phân phối cao ở EU, doanh nghiệp tôm Việt Nam phải đáp ứng tối thiểu 2 yếu tố là tổ chức chế biến tốt và có nguồn tôm nguyên liệu đạt chuẩn. Để làm được điều này, cơ sở phải đáp ứng các quy định chung lẫn quy định riêng rất nghiêm nhặt của từng hệ thống. Về nguồn tôm nguyên liệu, đa phần hệ thống phân phối cao cấp đòi hỏi không chỉ ở việc truy xuất nguồn gốc, mà còn yêu cầu tôm cung ứng phải được nuôi đạt chuẩn ASC, mà để đạt chuẩn này, chỉ có các cơ sở nuôi quy mô lớn, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ một cách hoàn chỉnh theo đúng quy định. Trong khi, phần lớn diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL và cả nước là nuôi nhỏ lẻ, nên hiện chỉ mới có khoảng 5% diện tích nuôi đạt chuẩn nói trên.
Cũng theo ông Lực, bên cạnh những vấn đề cần cải thiện của doanh nghiệp và người nuôi, cũng cần có sự đồng hành kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành trong chặng đường sắp tới. Trước mắt, các doanh nghiệp tôm kiến nghị sớm sửa đổi một số điều khoản trong Luật Lao động cho tương đồng khi hội nhập. Thứ hai là sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo điều kiện cho việc tập trung đất đai, hình thành các trang trại nuôi lớn đạt chuẩn theo yêu cầu của thị trường. Thứ ba là quan tâm và có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn trong tín dụng cho nuôi tôm…
An An – Mai Trường