Thay đổi để phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghêu là đối tượng nuôi phổ biến ở hầu khắp các tỉnh, thành ven biển ở nước ta. Tuy nhiên, nghề nuôi này đang ngày càng nhiều rủi ro, sản xuất không như mong muốn. Để phát triển bền vững, rất cần những thay đổi cơ bản.

Thiệt hại ngày một lớn

Từ năm 2009, toàn bộ vùng nghêu của tỉnh Bến Tre đã được cấp chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council), nhãn hiệu đảm bảo “sản phẩm thủy sản được khai thác bền vững, có trách nhiệm”, tỉnh đầu tiên của nước ta đạt chứng nhận này. Một trong những tiêu chí quan trọng của chứng nhận MSC là bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Người nuôi nghêu Bến Tre đã tổ chức thành các HTX, thường bao gồm dân toàn xã nên bảo vệ môi trường tốt; cũng từ đó, con nghêu đạt tiêu chuẩn quốc tế mang lại sinh kế ổn định cho hàng nghìn người dân Bến Tre. Các thành viên HTX đầu tư vốn vào nuôi nghêu một vụ kéo dài 2 năm thu lãi từ 30 – 50%, có vụ đến 70%.

Đến mùa thu hoạch, thành viên hợp tác xã ra bãi nuôi nghêu, như đầu năm nay cứ thu hoạch mỗi gùi nghêu 20 kg, được trả công 20.000 đồng. Thời gian khai thác hàng ngày chỉ trong buổi sáng, mỗi tháng thu hoạch hai đợt, tổng cộng 10 – 12 ngày. Mỗi ngày nam giới có thể thu hoạch 20 – 25 gùi, phụ nữ 10 – 15 gùi, tính ra một tháng có 3 – 5 triệu đồng.

Thế nhưng, “nuôi nghêu không dễ xơi vì con nghêu dễ hờn lắm! Không ưng là nó kéo nhau bỏ đi hết trơn”, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Thạnh Lợi ở huyện Thạnh Phú, ông Nguyễn Văn Rô có 30 năm gắn bó với nghề nuôi nghêu nói. Lời của ông Rô dễ cảm nhận ở vẻ mặt buồn của các thành viên HTX khi đầu năm 2020, nhận tiền lãi đầu tư cho vụ sản xuất năm 2017 – 2019. Tiền lãi không có mà còn lỗ vì thời tiết bất thường làm nghêu chết trắng bãi. Đây là vụ đầu tiên bị thua lỗ, dù người nuôi nghêu vẫn tuân thủ sản xuất bền vững nhưng biến đổi khí hậu trở tay không kịp.

Bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Thủy sản Bến Tre, chia sẻ: “Tổng diện tích nuôi nhuyễn thể được đánh giá Chứng nhận tiêu chuẩn MSC của Bến Tre là 5.200 ha; sản lượng hàng năm khoảng 14.000 tấn/năm. Có 8 HTX thủy sản (nghêu/ngao) của Bến Tre gồm: Rạng Đông, Đồng Tâm (Bình Đại), An Thủy, Tân Thủy, Bão Thạnh (Ba Tri), Hải Dương, Bình Minh và Thanh Phong (Thạnh Phú) đã đạt MSC từ năm 2009, đến nay đã qua 2 lần tái chứng nhận và đang chuẩn bị cho lần tái đánh giá chúng nhận lần thứ 3 vào năm 2020. Với doanh nghiệp, 3 đơn vị chế biến xuất khẩu nghêu/ngao gồm Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre (Aquatex Bentre), Công ty CP Thủy sản Bến Tre (Beseaco) và Công ty CP Thủy sản Hưng Trường Phát (Aquamarine-HTP) cũng đã đạt tiêu chuẩn MSC, CoC.

 

Tăng cường hợp tác

Một hướng đi nhằm phát triển vùng nghêu ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang là tổ chức ký kết chuỗi nghêu theo tiêu chuẩn MSC giữa Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam và vùng nuôi nghêu tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Lễ ký kết diễn ra tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) vào ngày 8/1/2020. Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam và các hợp tác xã, tổ cộng đồng nghêu ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện liên kết chuỗi giá trị nghêu giai đoạn 2020 – 2021. Mục đích của ký kết hợp tác nhằm phát triển liên kết để thúc đẩy tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nghêu đạt chứng nhận MSC; hướng tới liên kết toàn vùng nuôi nghêu, góp phần nâng cao thu nhập cho hơn 20.000 người dân tại Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

Các Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh có trách nhiệm hướng dẫn người nuôi nghêu thực hiện tiêu chuẩn MSC; hỗ trợ công tác giám sát và đánh giá hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong trường hợp các bên không thể thương lượng được khi gặp khó khăn, Sở NN&PTNT các tỉnh sẽ cùng với Liên minh HTX làm trung gian hỗ trợ giải quyết.

Trước đó, Dự án “Chuỗi giá trị nghêu/ngao theo ASC tỉnh Nam Định – Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam” được bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2019 và đang nỗ lực, phấn đấu để sớm đạt được Chứng nhận ASC. Đây cũng là cam kết của các doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc hợp tác, hỗ trợ người nuôi nghêu/ngao trong quá trình nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm ngao bền vững. Lenger Việt Nam là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới thực hiện áp dụng Chứng nhận ASC cho sản phẩm nghêu/ngao.

Trong bối cảnh hội nhập, ngành nông, lâm, thủy sản đứng trước yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại, bền vững nhằm đáp ứng cơ chế thị trường có tính cạnh tranh cao. Vì thế, việc sản xuất theo hướng chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy các chương trình tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi giá trị… là rất quan trọng để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành nhuyễn thể nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung.

>> Ở ĐBSCL, nghề nuôi nghêu phát triển hầu khắp các tỉnh ven biển; số liệu năm 2019, nhiều nhất là tỉnh Bến Tre với 2.873 ha, Tiền Giang 1.950 ha, Trà Vinh 460 ha.  

Ngọc Duyên – Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!