(TSVN) – Trong “cuộc chiến” chống khai thác IUU, Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực; có sự chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hành động quyết liệt để khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU; hướng đến phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Theo Bộ NN&PTNT, Đoàn thanh tra của EC vừa kết thúc đợt kiểm tra IUU lần thứ 4 tại Việt Nam (từ ngày 10 – 18/10/2203); đợt này, Đoàn đã làm việc tại 2 tỉnh là Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định. Chia sẻ về những kết quả sơ bộ sau đợt thanh tra Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn kiểm tra đã tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam. Đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương; đồng tình với chính sách của Việt Nam về chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có chuyển biến tích cực. Về khung pháp lý, Đoàn thanh tra cơ bản thống nhất với Dự thảo 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung đối với: Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Việt Nam đã đạt nhiều kết quả về chống khai thác IUU và được EC đánh giá cao. Ảnh: Như Đồng
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, vấn đề mấu chốt là kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại các địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc. Đoàn thanh tra đề nghị Việt Nam kiểm soát, không để tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày; không để tàu 3 không (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép); đồng thời đánh giá tỷ lệ xử phạt vi phạm còn rất thấp.
Đối với nguyên liệu nhập khẩu bằng tàu container (đối với loài cá cờ kiếm, cá ngừ vây ngực dài), Đoàn tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Đoàn cũng khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS); đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá, tạo sự chuyển biến trên thực tế; xử phạt triệt để các hành vi vi phạm về IUU.
Về kết quả chính thức, theo Thứ trưởng Tiến, Đoàn thanh tra của EC phải báo cáo Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản của EC, sau đó việc EC có gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam hay không, lúc đó mới có kết luận.
Tuy nhiên, từ nay đến lần thanh tra tiếp theo (dự kiến tháng 5 đến 6/2024), Bộ NN&PTNT đề xuất lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục và đồng bộ các giải pháp thì Việt Nam mới có khả năng gỡ “thẻ vàng”. Các tỉnh có hệ thống kết nối với thiết bị VMS phải trực 24/24 giờ để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối. Đặc biệt, các địa phương phải thực hiện các biện pháp mạnh, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ NN&PTNT sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại các địa phương.
Tại phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội ngày 24/10, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phân tích, dự kiến khoảng tháng 5 năm sau, đoàn thanh tra của EC sẽ quay lại kiểm tra một lần nữa. Nếu chúng ta không tranh thủ được cơ hội này thì sau đó EC sẽ thay đổi nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức của họ. Lúc đó sẽ có ủy ban khác, nhân sự khác phụ trách việc này. Nếu kịch bản đó xảy ra, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia kỷ lục, mất khoảng 10 năm mới gỡ được “thẻ vàng” IUU.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều nguyên nhân khiến bà con ngư dân dù không muốn vẫn phải khai thác thủy sản bất hợp pháp, mà lý do lớn nhất là lợi ích. “Bà con vẫn nợ ngân hàng tiền đóng tàu, vẫn phải trang trải qua cuộc sống trong khi nguồn lợi thủy sản thì cạn kiệt. Với hơn 3.000 km bờ biển như hiện nay, một ngư trường rộng lớn như vậy là niềm ước ao của rất nhiều quốc gia. Ngược lại, nếu chúng ta không quản lý tốt thì thực sự là gánh nặng”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ.
Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm, ông Nguyễn Chu Hồi, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, đây là nội dung không chỉ về phát triển kinh tế mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Nghị quyết số 36- NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra chủ trương rất đúng đắn, vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện như thế nào. Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, có 3 vấn đề cốt lõi của ngành thủy sản là ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường, nhưng hiện nay các nội dung này vẫn nằm chung trong “lồng” chính sách tam nông; trong khi phương thức sản xuất, công cụ sản xuất, tư liệu sản xuất là khác nhau, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, việc thể hiện vào trong các chính sách không thấy được nét đặc thù của lĩnh vực này, các quy định về hỗ trợ cũng còn mờ nhạt. Do đó, đề nghị tách hệ thống chính sách cho ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường, để có giải pháp mang tính hệ thống và đột phá cho lĩnh vực này. Kỳ vọng có được nghị quyết ở tầm Trung ương về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường ở Việt Nam nhằm giải quyết một cách lâu dài, căn cơ từ gốc rễ. Đại biểu cũng chia sẻ, cần suy ngẫm mối quan hệ của vấn đề ngư dân một cách chặt chẽ trong cách tiếp cận làm chính sách và hành động để nghề cá có những bước thay đổi mang tính cách mạng; cần có một sự can thiệp ở cấp cao hơn để nhìn nhận một cách hệ thống ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào thực hiện kế hoạch của năm 2024; đồng thời cũng để giải quyết những vấn đề về dài hạn cho kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng.
>> Nhân dịp dự Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu được tổ chức từ ngày 25 - 26/10/2023 tại Brussels, Bỉ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã gặp làm việc với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Tại đây, Phó Thủ tướng mong muốn EU và các nước thành viên tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), triển khai đầy đủ Hiệp định EVFTA, để thúc đẩy thương mại - đầu tư giữa hai bên. Cùng đó, đề nghị EC xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam để đóng góp cho mục tiêu phục hồi, phát triển bền vững. Bà Ursula von der Leyen cảm ơn về những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU, hy vọng sẽ sớm giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Hồng Hạnh