Theo thông tin từ Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam, Chính phủ Indonesia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thế giới về Rạn san hô (WCRC) từ ngày 14 đến 17/5/2014.
Với chủ đề “Rạn san hô vì sự bền vững của ngành ngư nghiệp, an ninh lương thực và kinh doanh thân thiện với môi trường”, hội nghị hướng đến các việc như: đảm bảo nguồn lực, đồng bộ hóa và thiết lập các chính sách, hành động cụ thể về quản lý và sử dụng tài nguyên rạn san hô. Mặt khác, WCRC 2014 còn muốn xác định và phát triển các giá trị, nhận thức và mục tiêu chung trong bảo tồn và duy trì hệ sinh thái rạn san hô như là di sản thế giới cần được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
WCRC 2014 là cơ hội để các quốc gia, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các nhà khoa học và các học giả chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về mô hình quản lý các hệ sinh thái rạn san hô, làm cơ sở, căn cứ cho chính sách bảo vệ môi trường biển của các quốc gia. Ngoài ra, WCRC 2014 sẽ là diễn đàn để thảo luận về các phương pháp, cách thức tiếp cận, những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất trong bảo quản và sử dụng tài nguyên rạn san hô.
Hiện nay, các tổ chức bảo vệ môi trường cũng như các chuyên gia hải dương học liên tục đưa ra nhiều cảnh bảo về tình trạng đa dạng sinh học rạn san hô trên thế giới đang trong tình trạng “nguy kịch” do hoạt động của con người như phát triển kinh tế biển, ven biển, ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy, hải sản quá mức. Ngoài ra, các hệ sinh thái này còn bị đe dọa do sự nóng lên của trái đất và đại dương.
Tại Việt Nam, năm 2005, nhóm Công tác Tiểu ban San hô của dự án Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) nhận định: với khoảng 1.222km2 rạn san hô, san hô Việt Nam có độ đa dạng về thành phần loài vào loại cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh bảo phần lớn trong số rạn san hô ở Việt Nam đang thực sự nguy kịch bởi ô nhiễm môi trường ngày càng tồi tệ và các nguồn lợi thủy sinh cạn kiệt. Một số báo cáo còn xếp Việt Nam vào nhóm các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ các rạn san hô bị đe dọa nhiều nhất (cùng với Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia). Với thực trạng này, nếu Việt Nam không ngay lập tức hành động thì những rạn san hô chắc chắn sẽ mất đi. Điều đó đồng nghĩa với “giấc mơ” xây dựng mô hình du lịch dưới đáy biển như các quốc gia khác cũng tan theo sóng nước.