Ngày 12/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết cuối về mức đánh thuế sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam và 4 quốc gia khác nhập khẩu vào Mỹ trong vụ kiện chống trợ cấp các sản phẩm này.
Trong đó, Công ty Minh Quý (Công ty con của Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú, Cà Mau) bị áp mức thuế 7,88%, tăng so với mức 5,08% trong phán quyết sơ bộ, mức thuế dành cho các sản phẩm của Nha Trang Seafoods giảm mạnh, chỉ còn 1,15% so với mức 7,05% trong phán quyết sơ bộ. Mức thuế chung cho tất cả các công ty khác của Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 6,07% xuống còn 4,52%.
Với quyết định mới của DOC, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam gặp nhiều khó khăn – Ảnh: An Đăng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: Việt Nam vẫn còn thời gian chờ đợi quyết định cuối cùng với phán quyết của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) bỏ phiếu thông qua, dự kiến trong tháng 9/2013. So với phán quyết sơ bộ vào cuối tháng 5/2013, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang phải chấp nhận mức xuất khẩu với thuế suất như vậy, và người tiêu dùng là người thiệt hại nhiều nhất. Các nước xuất khẩu chính như Indonesia, Thái Lan chiếm trên 50% sản lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ, nên các nước còn lại, trong đó có Việt Nam không gây thiệt hại nhiều cho ngành công nghiệp nội địa của Mỹ. Hơn nữa, cho dù có quyết định cuối cùng của ITC, Việt Nam vẫn còn cơ hội để xem xét lại. Trong khi đó, Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp bán lẻ tại Mỹ, nếu theo quyết định của vụ kiện này, khi áp thuế suất cao lên, các nhà nhập khẩu này cũng bị ảnh hưởng (ảnh hưởng theo chuỗi), do vậy, họ sẽ ủng hộ cho Việt Nam, đưa ra những bằng chứng có lợi cho phía Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, do việc hình thành thị trường là từ lâu nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm, cũng như số lượng tôm nguyên liệu, để nâng cao khả năng cạnh tranh. Một mặt, Việt Nam vẫn mở rộng thị trường xuất khẩu đã và đang có, mặt khác, tiếp tục cho việc đấu tranh với thời gian, chiến lược.
Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam cũng khẳng định: Phán quyết của DOC về mức đánh thuế sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong vụ kiện chống trợ cấp lần này là hoàn toàn vô lý. Tại Việt Nam, từ khâu sản xuất giống, đến người nuôi, hay các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu… đều không nhận được sự trợ cấp nào từ phía chính phủ. Với quyết định lần này, tôm Việt Nam một lúc chịu 2 thứ thuế. Quyết định của phía Mỹ là vi phạm quy định của WTO. Phía người nuôi tôm, trong khi chờ phán quyết cuối cùng của ITC, phải đấu tranh mạnh mẽ, kịch liệt phản đối để ITC đưa ra quyết định công bằng cho sản phẩm tôm Việt Nam. Bởi hơn hết, nếu quyết định của ITC cũng giống như DOC thì người dân, doanh nghiệp phải hứng chịu mức thuế suất 4,52%, bản thân giá tôm xuất khẩu khó có thể tăng lên được.
>> Ngày 15/8/2013, Hội Nghề cá Việt Nam đã có Thông cáo báo chí gửi đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và các cơ quan ban ngành liên quan phản đối kết quả áp thuế chống trợ cấp của chính phủ đối với sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. |