T2, 06/07/2020 10:08

Theo chân thợ đục hàu

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiếc ghe nhỏ tăng tốc trên con rạch nhỏ. Từ Bến Điệp (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) đi vòng qua tắc Cái Sửu phải men theo nhiều con rạch chằng chịt mới đến được bãi nuôi hàu. Thời điểm này thủy triều đang rút, nước trên các con rạch chảy xiết, anh bạn cho ghe chạy hết công suất như đua với dòng nước để kịp đến bãi hàu trước khi thủy triều xuống cạn. Nghề đục hàu (khai thác hàu) trên bãi phụ thuộc hoàn toàn vào con nước, bình quân mỗi tháng vào mùa chỉ có vỏn vẹn 7-8 ngày cho thu hoạch hàu.

Đội mưa đục hàu

Sau hơn 40 phút chạy ghe từ Bến Điệp, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bãi nuôi hàu. Lúc này, mặt trời sắp lặn, nước thủy triều đã đến mực kiệt, những tấm giá thể (bằng tôn phibro) mang trên mình nhiều hàu lộ dần trên bãi, nhìn từ xa giống như khối đá san hô đan dày trên một vùng rộng lớn. Giữa những bãi hàu mênh mông còn lại vài con lạch bé nhỏ vừa đủ nước để ghe đưa chúng tôi kịp đến với bãi hàu. Anh bạn lái ghe chọn điểm thích hợp để đậu ghe trước khi những con lạch này cạn hẳn.

 

Các thợ đục hàu đang lao động trên bãi hàu ở Long Sơn.

Thời tiết lúc này bắt đầu vào mùa mưa chính, những cơn giông bỗng nhiên ầm ầm đổ đến; mây đen kịt phủ kín bầu trời như đêm tối. Anh Tư Oanh, một người nuôi hàu nhiều năm kinh nghiệm ở Long Sơn cho biết, những cơn mưa này rất quan trọng vì có tác dụng bổ sung đáng kể nguồn phù du làm thức ăn cho hàu, nhờ vậy, thời điểm này hàu béo tròn, màu đục giống như sữa, đây là thời điểm vào vụ chính của khai thác hàu trong năm của vùng Long Sơn này.

Trời sụp tối hẳn, trên bãi hàu chỉ nhìn thấy ánh sáng yếu ớt từ những chiếc đèn pin. Mạnh ai nấy lầm lũi gõ đục, chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ lách cách tiếng búa và những bước chân lội sụt sùi trên bãi sình lầy của những người đục hàu.

Đợt này anh Tư Oanh may mắn “kiếm” được gần 10 thợ. Theo anh Oanh, con nước hôm nay có thời gian phơi bãi khoảng từ 5 giờ chiều đến 9 giờ đêm, đây là khoảng thời gian không thuận lợi vì trời tối, mùa này hay gặp giông gió thất thường. Lội sình đục hàu trong đêm khó mà đạt được năng suất cao; cho nên, thời gian lý tưởng nhất để đục hàu là từ 1 – 5 giờ chiều, lúc này có đầy đủ ánh sáng dễ phát hiện ra hàu lớn, khai thác dễ dàng”- anh Tư Oanh nói.

Trước kia người dân Long Sơn chủ yếu nuôi hàu theo hình thức treo giàn, bè trên các con sông Rạng, sông Chà Và. Tuy nhiên, nhiều năm nay những vùng này bị ô nhiễm, người nuôi hàu phải chuyển đến vùng Bến Điệp để nuôi theo hình thức cắm giá thể xuống bãi. So với hình thức nuôi hàu bằng giàn, bè trên sông, hàu nuôi trên bãi khai thác nhọc nhằn hơn rất nhiều, người khai thác phải lội xuống bãi đầy sình. Ngoài ra, phải chọn thời điểm con nước kiệt để tổ chức khai thác cho dù ngày hay đêm. Bình quân mỗi tháng vào mùa có 2 đợt nước kiệt và người nuôi hàu chỉ có 7-8 ngày để khai thác hàu.

 

Đục hàu là một nghề nặng nhọc và vất vả nhưng cũng là nghề kiếm cơm của nhiều thanh niên ở Long Sơn.

Sống cùng con nước

Nghề đục hàu là nghề nặng nhọc và lắm gian nan. Anh Tạ Văn Bình, một thanh niên chuyên đi đục hàu ở Long Sơn cho biết, người làm nghề này thường phải ở độ tuổi thanh niên mới có đủ sức khỏe để khuân vác, bê kéo những thùng hàu đến vài chục ký dưới những bãi sình lầy ngập trên đầu gối. Tiền công cho thợ đục hàu khoảng 150.000 đồng/lần (con nước). Một số chủ bãi trả công theo tỉ lệ 5% trên sản lượng khai thác được. Nếu gặp bãi nào hàu đóng dày, con nước thuận lợi, mỗi người có thể đục từ 200-250kg, thu nhập cũng từ 150.000 – 170.000 đồng.

Để gia nhập “đội quân” khai thác hàu, mỗi người thợ phải tự trang bị cho mình bộ đồ nghề như đèn đội đầu (đèn pin) búa, đục, và can nhựa được khoét một bên hông để thuận tiện cho việc bê kéo hàu trên bãi. Yêu cầu của thợ là khi đục phải giữ nguyên vẹn phần vỏ nếu không hàu sẽ chết và không thể tiêu thụ được, ngoài ra không được làm tổn thương số hàu còn lại trên giá thể (hàu con) để khai thác cho những kỳ tiếp theo.

Gần 8 giờ đêm, gió nhẹ từ biển thổi vào ngày càng nhiều. Từ xa nghe sóng biển vỗ lào xào, chúng tôi cảm nhận được con nước đang lớn dần theo âm thanh ngày càng gần và rõ của những con sóng. Tiếng búa đục hàu, những bước chân của anh em thợ thưa dần, nhiều người đã có dấu hiệu mỏi mệt. Anh Bình cho biết, do hôm nay gặp mưa nên nhiều anh em xuống sức rất nhanh. “Gặp thời tiết như hôm nay nhiều người chỉ “cầm cự” được 3 giờ ”- anh Bình nói.

Thủy triều lên nhấn chìm bãi hàu dưới làn nước mênh mông. Tuy nhiên, chúng tôi phải đợi đến 10 giờ đêm nước mới đủ lớn để ghe đưa chúng tôi rời bãi. Trên đường về bến Điệp, chiếc ghe chở đầy hàu di chuyển ì ạch. Hơn 11 giờ đêm ghe cập vào bến, chúng tôi mệt mỏi rời ghe, kết thúc một chuyến khai thác hàu nhọc nhằn.

>> Hiện nay, trên địa bàn xã Long Sơn có khoảng 300 hộ nuôi hàu trên diện tích khoảng 300ha bãi bồi. Để phục vụ cho việc khai thác hàu, trên địa bàn xã hiện có khoảng 100 thanh niên chuyên làm nghề đục hàu. Vào vụ khai thác hàu tập trung (từ dịp Noel cho đến Tết Nguyên đán) họ chuyên làm nghề này, những tháng còn lại họ kiêm thêm nghề đặt nò, bắt cá. Công việc tuy vất vả, nhưng cuộc sống của những người làm nghề đục hàu khá ổn định nhờ thu nhập từ nghề này khá cao so với các nghề khác ở địa phương.

Trần Ân Phong

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!