Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương bàn về các biện pháp đối phó với cơn bão số 1 (có tên gọi quốc tế là Pakhar) vào chiều 29/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 1 để ứng phó kịp thời.
Cuộc họp này được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quãng Ngãi đến Cà Mau và Kiên Giang.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 1, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; nắm chắc tình hình tàu, thuyền trên biển để chủ động xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các tỉnh, thành phố cần rà soát lại các phương án phòng chống lụt bão, đặc biệt lưu ý tới những vùng ven bờ, lồng bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền nhỏ; rà soát lại những vùng có nguy cơ bị sạt lở đất; kiểm soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chuẩn bị sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra tình huống xấu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương nhấn mạnh các địa phương cần thông báo, hướng dẫn ngư dân thoát ra cũng như tránh đi vào khu vực nguy hiểm được xác định từ Vĩ tuyến 9 đến Vĩ tuyến 14; có phương án sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm; khu vực Tây Nguyên cần đề phòng mưa lớn, lũ trên các sông…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 29/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 390km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 16 giờ ngày 30/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 1 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 16 giờ ngày 31/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5km.
Do ảnh hưởng của bão khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ngoài ra bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống Việt Nam. Dự báo khoảng chiều tối và đêm mai (30/3), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 – 4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6 – 7.
Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ từ đêm ngày 30/3 có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7-8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm 30/3 trời trở rét./.
Thanh Tuấn
Theo Vietnamplus