T2, 06/07/2020 10:55

“Thép hóa” tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) đang tích cực thực hiện sứ mệnh “thép hóa” gần 25 nghìn tàu vỏ gỗ giúp ngư dân vươn xa hơn ra biển theo Chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cuộc cách mạng của ngư dân 

Ngư dân Trần Văn Châu ở xã Hải Chính (Hải Hậu, Nam Định) vừa chính thức nhận chiếc tàu đánh cá vỏ thép trị giá 5 tỷ đồng từ Công ty đóng tàu Sông Đào (Nam Định). Ngay sau lễ bàn giao, chủ tàu bước vội lên khoang lái bấm hồi còi vang cả khúc sông để chạy thử. Bao thế hệ cha ông khi ra khơi đều chỉ gắn với những con tàu mảng, tàu gỗ mong manh giữa Biển Đông đầy sóng gió. Giờ đây, với con tàu vỏ thép này, anh Châu đang tính cho mình những bài toán kinh tế cao hơn.

Anh Châu cho biết, đối với mỗi chủ tàu, việc bảo vệ an toàn cho thuyền viên là quan trọng nhất. Tàu vỏ thép sẽ khai thác hiệu quả, an toàn và ra khơi bám trụ được lâu hơn. 

“Tôi đã đi biển bằng tàu gỗ 10 năm, đây là lần đầu tiên đi tàu vỏ thép. Con tàu này sẽ chở được nhiều cá hơn, bám biển lâu hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và quan trọng nhất là khi gặp tàu nước ngoài sẽ tự tin hơn, không còn phải né tránh vì thấy tàu họ to hơn” – anh Châu nói.

Tàu vỏ thép sẽ chở được nhiều cá hơn, bám biển lâu hơn 

Tàu vỏ thép sẽ chở được nhiều cá hơn, bám biển lâu hơn

Trước đó mấy tháng, cũng tại Nhà máy đóng tàu Sông Đào, anh Phạm Văn Tuyên là người đầu tiên nhận bàn giao tàu thép theo chương trình thí điểm đóng 6 con tàu vỏ thép cho ngư dân. Anh Tuyên tâm sự: “Xa xưa, các cụ toàn dùng mảng luồng khai thác gần bờ. Sau này, thời cha chú dùng tàu gỗ cũng chỉ đi biển gần. Nay đến thời chúng tôi thì thay tàu gỗ bằng tàu vỏ thép đi biển xa là bước phát triển hợp lý. Dù vốn đầu tư ban đầu cho tàu vỏ thép lớn hơn tàu gỗ nhưng phần chênh lệch ấy đối với chiếc tàu của chúng tôi đã được giải quyết nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ SBIC”. 

“Theo tính toán của tôi, một chuyến đi trên tàu vỏ thép có số ngày đi biển gấp hơn hai lần tàu gỗ. Chi phí nhiên liệu nếu tính theo tấn tải trọng lại thấp hơn, vùng biển đánh bắt được mở rộng, khả năng trúng mẻ cao hơn tàu gỗ nhiều lần” – anh Tuyên cho biết. 

 

7 – 10 chuyến đi biển là hoàn vốn

Theo thống kê của ngành Thủy sản, đội khai thác tàu cá cả nước hiện có 127.000 chiếc tàu. Trong đó phần lớn là tàu hoạt động ven bờ, công suất động cơ dưới 20 mã lực, thiết bị an toàn thiếu. Loại tàu 400 mã lực trở lên có 4.000 chiếc, nhưng trang thiết bị quá đơn giản, không hành trình được dài ngày để đi biển xa, hiệu quả đánh bắt chưa cao. Trước thực tế đó, SBIC được giao trọng trách nghiên cứu triển khai thí điểm đóng mới đội tàu đánh cá vỏ thép lắp động cơ có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để có thể đi biển xa, hoạt động dài ngày, bảo quản tốt hải sản đánh bắt được.

Theo ông Phạm Bình Minh – Trưởng ban Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ (SBIC), chi phí đóng tàu thép cao hơn khoảng 60% so với tàu gỗ. Tuy nhiên, nếu so sánh tất cả các yếu tố từ tốc độ, mức tiêu hao nhiên liệu (tiết kiệm hơn 15%), khả năng đánh bắt… giá của tàu này không đắt hơn tàu gỗ. “Kinh phí đóng tàu được thực hiện theo phương pháp thuê mua. Ban đầu SBIC sẽ bỏ kinh phí đóng tàu và sẽ thu hồi vốn trong thời gian khoảng 5 – 7 năm. Vốn vay cho ngư dân được hỗ trợ với lãi suất thấp” – ông Minh cho biết. 

Ông Nguyễn Ngọc Sự – Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết: “Với đề án hiện đại hóa đội tàu cá, Chính phủ đã cho phép đưa ra cơ chế cho vay đến 80% giá trị con tàu với thời hạn cho vay 10 năm, lãi suất tối đa 3%. Ngoài ra, nhiều địa phương còn có chính sách hỗ trợ nên lãi suất cho ngư dân vay đóng tàu chỉ ở mức 2%/năm. Với cơ chế, chính sách như vậy, ngư dân chỉ cần thắng vụ từ 7 – 10 chuyến đi biển là hoàn vốn”. 

Cũng theo ông Sự, đề án đặt ra tối thiểu sẽ “thép hóa” 25 nghìn tàu gỗ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị khoảng 10 nghìn tỷ đồng để cho vay. SBIC đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực nên có thể triển khai việc đóng loại tàu này tại tất cả các nhà máy trên cả nước. 

>> “Dù đây là những con tàu rất nhỏ nhưng số lượng lại rất lớn nên việc đóng các tàu này sẽ giúp SBIC tái cơ cấu nhanh hơn. Đây cũng là một chiến lược nhằm thay đổi sản phẩm của SBIC. Nếu trước đây chúng tôi chỉ tập trung đóng những con tàu rất lớn, chi phí cao và thời gian dài nhưng không hiệu quả thì nay chỉ cần 15 – 20 ngày có thể ra một con tàu thì sẽ có hiệu quả kinh tế rất cao”.

 Ông Nguyễn Ngọc Sự – Chủ tịch HĐTV SBIC

Tiến Mạnh

Báo Giao thông Vận tải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!