Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài với khoảng 100.000 tấn là cá tươi, còn lại là cá cấp đông. Cá ngừ Việt Nam có chất lượng tốt, nếu tổ chức khai thác, thu mua và xuất khẩu đảm bảo chất lượng sẽ mở ra triển vọng lớn cho nghề này.
Tiềm năng lớn
Hiện cả nước có 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Nam Trung Bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng khai thác loại cá này khoảng 16.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh từ 188 triệu USD năm 2008 lên gần 530 triệu USD vào năm 2013.
Cá ngừ đại dương của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 nước trên thế giới, thị trường chủ yếu là Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ… Tuy nhiên, một trong những thị trường tiềm năng nhất, giá cá có giá trị cao chính là Nhật bản, nhưng rất khắt khe về chất lượng.
Cũng phải nhìn nhận thực tế, câu cá ngừ đại dương của ngư dân miền Trung chủ yếu là bằng đèn cao áp, theo lối thủ công. Cá câu được thì đập chết bằng chày gỗ trước khi đưa vào hầm đá. Con cá được ướp lạnh không còn tươi ngon, thịt bở, màu cá không đẹp. Cá ngừ khai thác dạng này không làm món Sushi được, chỉ có thể đóng hộp. Trong khi chất lượng cá ngừ Việt Nam và Nhật Bản được đánh giá là tương đương thì chỉ do khâu khai thác mà giá trị cá ngừ Việt Nam giảm đi đáng kể.
Mô hình phù hợp
Mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ sang Nhật được triển khai từ đầu 2014, gồm ba bên liên quan tham gia chính là nhóm tàu khai thác, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) và Công ty Kato Office (Nhật Bản). Phương án tổ chức sản xuất theo chuỗi của mô hình gồm ba bên. Trong đó, nhóm 5 tàu khai thác câu cá ngừ đại dương theo hình thức tổ đoàn kết sản xuất trên biển tham gia với vai trò khai thác nguyên liệu đầu. Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) tham gia với vai trò là nhà thu mua, xuất khẩu. Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (KATO OFFICE) tham gia với vai trò là đại lý độc quyền của BIDIFISCO tại Nhật Bản.
Các chuyên gia thủy sản của BIDIFISCO và Công ty Kato Hitoshi General Office kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương để xuất sang Nhật
Các khâu trong chuỗi liên kết thông qua hợp đồng kinh tế. Nhóm tàu khai thác và Công ty Cổ phẩn Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đã ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương với các điều kiện cụ thể. Nhóm tàu khai thác cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản trên tàu và luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ đảm bảo thời gian theo quy định tại cảng cá Quy Nhơn. Công ty BIDIFISCO là đơn vị thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương khai thác của nhóm tàu tham gia mô hình. Cá đạt chất lượng xuất khẩu tới thị trường Nhật được mua với giá cao hơn 20% giá thị trường tại thời điểm thu mua. Các loại còn lại được thu mua cao hơn so giá thị trường.
Giữa Công ty Cổ phẩn Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (KATO OFFICE) ký kết hợp đồng kinh doanh đại lý độc quyền. Theo đó, Kato Office là đại diện hợp pháp của BIDIFISCO tại Nhật Bản để đưa cá ngừ đại dương vào bán tại các Trung tâm đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản thuộc các đối tác của Kato Office tại Nhật Bản.
Hiệu quả bước đầu
Chủ tàu cá BĐ 96776 TS, ông Nguyễn Quê tham gia mô hình cho hay, chỉ tính chuyến biển thử nghiệm đầu tiên với bộ thiết bị, công nghệ câu cá của Nhật Bản, tàu của ông khai thác được 26 con cá ngừ, loại từ 30 – 50 kg/con. Theo ông Quê, nếu như trước đây, 3 – 4 người vất vả lắm mới đưa được 1 con cá ngừ đại dương lên tàu thì bây giờ chỉ mất 5 phút thì 1 thuyền viên làm xong việc này. Cá không bị trầy xước, màu sắc con cá đẹp hơn hẳn.
Còn nhớ, chuyến xuất khẩu cá ngừ đầu tiên sang Nhật Bản thực hiện vào đầu tháng 8/2014 với số lượng 10 con (tổng trọng lượng gần 450 kg), bán đấu giá tại chợ cá Trung tâm bán đấu giá Osaka (Nhật Bản) với giá bình quân tương đương 240.000 đồng/kg, tức gấp 3 lần giá thu mua tại Bình Định vào thời điểm ấy.
Đợt 2, 7 con cá có tổng trọng lượng 320 kg được bán đấu giá vào sáng cùng ngày tại Nhật Bản chỉ được giá bình quân gần 200.000 đồng/kg, gấp đôi so với thị trường nội địa nhưng lại thấp hơn 40.000 đồng/kg so với đợt 1.
Trao đổi với phóng viên Thủy sản Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, bà Cao Thị Kim Lan cho hay: Sau khi trừ mọi chi phí, công ty bị lỗ. Nguyên nhân là quá trình đánh bắt, ngư dân chưa quen, theo đúng quy trình công nghệ phía Nhật Bản truyền đạt. Ngoài ra, đợt đánh bắt cá vừa rồi, biển động, dòng nước bị xoáy, nước biển nóng nên chất lượng cá cũng bị ảnh hưởng. Hy vọng chuyến tới, nước lạnh, chất lượng cá tốt hơn.
“Thông qua Tập đoàn Kato và Hội Hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai, thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ 25 bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản. Đây sẽ là thuận lợi lớn” – Bà Lan nói.
“Trong thời gian tới, phía Nhật cũng sẽ tiếp tục tập huấn cho ngư dân về các kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản và thực hiện đúng quy trình hướng dẫn, đồng thời tổ chức luân phiên đưa cá vào bờ theo đúng thời gian quy định. Số lượng tàu khai thác cũng sẽ tăng lên 30 tàu” – Bà Cao Thị Kim Lan cho hay.
>> Chia sẻ với Thủy sản Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bình Định tin tưởng rằng, với sự chịu khó học hỏi của ngư dân, sự “xắn tay”, nỗ lực của các cấp, ngành của tỉnh, sự quyết tâm của Công ty CP Thủy sản Bình Định thì mô hình đánh bắt cá theo công nghệ Nhật Bản chắc chắn sẽ thành công và mang lợi lớn cho ngư dân. |