T2, 18/11/2024 09:00

Thị trường cá hồi Na Uy: Đứng vững sau chính sách thuế mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những biến động theo chiều tiêu cực của ngành sản xuất cá hồi Na Uy cho thấy thuế không phải là công cụ vạn năng trong quản lý thị trường. Tuy nhiên, ngành cá hồi vẫn nỗ lực giữ vị thế trên thị trường toàn cầu.

Sự bùng nổ của cá hồi Na Uy

Từ năm 2014, cá hồi đứng đầu bảng xếp hạng các loại cá được ưa chuộng nhất thị trường Đức. Cá hồi cũng là loại hải sản được ưa chuộng ở nhiều khu vực khác thuộc châu Âu. Điều này mang lại lợi ích đặc biệt cho ngành cá hồi Na Uy, vốn đã tiên phong đầu tư và phát triển mạnh tay cho công nghệ nuôi bền vững từ đầu thập niên 1960. Tới nay, các cơ sở nuôi cá hồi của Na Uy cũng lan sang Chile, Scotland và nhiều quốc gia khác, chiếm gần 70% tổng sản ượng cá hồi Đại Tây Dương của toàn thế giới. Năm 2021, tổng sản lượng cá hồi toàn cầu hơn 2,8 triệu tấn, trong đó chỉ có 705.000 tấn cá hồi khai thác tự nhiên, chủ yếu ở Thái Bình Dương.

Na Uy đã phát triển công nghệ phòng chống dịch bệnh tiên tiến khiến việc sử dụng kháng sinh trở nên dư thừa. Nhờ đó, cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) trở thành loài cá hồi được sản xuất nhiều nhất trên thế giới. Từ năm 2005 đến 2017, sản lượng cá hồi Đại Tây Dương toàn cầu tăng gần 5%/năm trong khi lượng tiêu thụ tăng 3 lần từ năm 2009 đến năm 2021. Năm 2016, giá trung bình cá hồi nuôi trên thị trường đạt 6,72 EUR/kg, nhưng tới năm 2022 tăng lên 11 EUR/kg và trở thành thực phẩm protein động vật có giá tăng cao nhất.

Các chuyên gia thị trường phân tích, giá cá hồi chắc chắn không giảm về mức bình dân như vài thập kỷ trước. Ngoài châu Âu, cá hồi cũng được săn đón ở nhiều thị trường khác do nguồn cung fillet và sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng lớn mạnh. Rất ít loại cá hoặc hải sản khác có thể cạnh tranh với cá hồi về sự đa dạng này. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá trị thương mại ngành cá hồi tăng trung bình 10% từ năm 1976 và chính thức lọt top 1 sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao nhất từ năm 2013.

Gánh nặng thuế

Nhu cầu tiêu thụ cá hồi trên thị trường thế giới tăng cao bởi nhu cầu mạnh mẽ về thực phẩm lành mạnh, chất lượng cao, giàu protein. Đây có thể là lý do chính phủ Na Uy đề xuất “thuế khấu trừ tại nguồn” vào tháng 9/2022 và chính thức có hiệu lực từ tháng 1/1/2023. Ban đầu chính phủ Na Uy đề xuất mức thế VAT 40% với các trại nuôi tối thiểu 5.000 tấn/năm và chỉ đánh vào giá trị gia tăng được tạo ra trong giai đoạn nuôi vỗ cá trên biển.

Mức thuế mới khiến các trại cá hồi không còn động lực mua thêm giấy phép mở rộng diện tích nuôi. Trước áp lực này, chính phủ Na Uy đã giảm thuế xuống 25%. Tuy nhiên, ngành cá hồi Na Uy vẫn phải gánh khoản tài chính lên đến 480 triệu EUR hàng năm. Nhiều nhà đầu tư đã nản lòng khiến tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất chậm lại. Hiệp hội thủy sản Na Uy ước tính chỉ trong 4 tháng từ khi đề xuất thuế 40% đầu tiên vào tháng 9/2022 đến tháng 1//2023, các khoản đầu tư trị giá 35 tỷ NOK (3,2 tỷ EUR) đã bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Năm 2022, cá hồi Na Uy tụt hạng sau cá minh thái Alaska về lượng tiêu thụ. Grieg Seafood và nhà sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới Mowi đã tạm dừng tất cả các khoản đầu tư cơ cấu mới ở Na Uy sau khi thuế khấu trừ được công bố. Geir Ove Ystmark, Giám đốc Liên đoàn Thủy sản Na Uy, chỉ trích chính sách thuế mới không bền vững và gây ra gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, làm giao dịch sụt giảm, công nhân bị sa thải và kế hoạch mua giấy phép mới bị hủy bỏ. Tập đoàn Cermaq, Mowi và Leroy cũng hủy các dự án đầu tư trại nuôi cá hồi trên cạn.

Ngay sau khi công bố mức thuế mới, giá trị cổ phiếu của các tập đoàn cá hồi trên Sở giao dịch chứng khoán Oslo đã giảm mạnh vài tỷ NOK. Giá một cổ phiếu của Mowi đã giảm xuống 140 NOK/ (11,82 EUR) vào tháng 9, mức thấp nhất trong 5 năm. Giá cổ phiếu của SalMar và Grieg Seafood giảm gần một nửa chỉ trong vài ngày. Sau thỏa thuận tại quốc hội Na Uy và công bố mức thuế 25%, giá cổ phiếu của các công ty mới tăng trở lại. Nhưng thị trường cá hồi vẫn tiếp tục nguy cơ đối mặt những khó khăn mới khi chính phủ Na Uy thành lập Ủy ban độc lập để tính toán và ấn định thuế khấu trừ của doanh nghiệp hàng năm dựa trên giá cá hồi.

Giữ vị thế

Ngành cá hồi Na Uy vẫn đang phản đối chính sách thuế và nhấn mạnh mức thuế phải dựa trên giá thực tế. Cá hồi không phải là một sản phẩm đồng nhất mà có nhiều kích cỡ và chất lượng đa dạng, cùng với các loại hợp đồng và thị trường khác nhau. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy cá cùng kích cỡ và chất lượng có thể định giá khác nhau trên thị trường quốc tế. Cá hồi chế biến thường được bán theo hợp đồng giá cố định, khối lượng cố định và thấp hơn giá giao ngay. Những ví dụ này cho thấy việc định giá cá hồi phức tạp hơn nhiều so với các ngành khác.

Hiện chính phủ Na Uy chưa đưa ra quyết định cụ thể, nhưng chắc chắn thuế khấu trừ doanh nghiệp sẽ làm giảm lợi nhuận của nganh cá hồi. Điều này có nghĩa sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư sẽ giảm dần. Ngành cá hồi cũng lo ngại tác động kinh tế đối với các lĩnh vực liên quan như thức ăn chăn nuôi, bán buôn và chế biến sơ cấp. Tất cả đều có thể làm suy yếu “ngôi vương” của cá hồi Na Uy, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận và xói mòn lợi thế cạnh tranh của Na Uy.

Bất chấp chính sách thuế khấu trừ mới, Na Uy vẫn dẫn đầu về nguồn cung cá hồi cho khu vực châu Âu và thống trị ngành cá hồi toàn cầu. Năm 2022, ngành cá hồi Na Uy đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 105,8 tỷ NOK (khoảng 9,7 tỷ EUR), tăng 30% so với năm trước. Nhu cầu tiêu thụ cá hồi trên toàn thế giới vẫn duy trì ở mức cao và sẽ tiếp tục tăng đã mang lại triển vọng tích cực cho ngành cá hồi Na Uy.

Năm 2022, thị trường cá hồi toàn cầu chỉ đạt hơn 3,5 triệu tấn gồm cả nuôi và tự nhiên, tương đương giá trị 30,87 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép 3,9%/năm. Cơ quan nghiên cứ và thị trường châu Âu (Research and Markets) dự báo vào năm 2027-2028, thị trường cá hồi toàn cầu sẽ đạt trị giá 38 tỷ USD cùng sản lượng 4,3 triệu tấn.

Tuấn Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!