T5, 23/09/2021 08:55

Thị trường cá rô phi châu Á: Vượt khủng hoảng đại dịch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù đang dần phục hồi sau những khó khăn của Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ thấp vẫn đang là vấn đề tồn tại dai dẳng tại một số thị trường sản xuất và xuất khẩu cá rô phi hàng đầu châu Á.

Trung Quốc suy yếu

Tại GOAL 2020, Gorjan Nikolik, chuyên gia nghiên cứu tại Rabobank đã báo cáo các kết quả khảo sát sản xuất thủy sản toàn cầu. Theo đó, sản lượng cá rô phi Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn trong năm 2019 và giảm xuống 1,75 triệu tấn vào năm 2020. Dự báo, sản lượng năm 2021 tiếp tục xuống thấp hơn chủ yếu do thời tiết mùa đông khắc nghiệt tại Trung Quốc.

Một trong những nước dẫn đầu về sản xuất cá rô phi tại châu Á, Indonesia không bị sụt giảm sản lượng trong 2 năm 2019 và 2020, đạt trung bình 900.000 tấn/năm, theo khảo sát của GOAL. Tuy nhiên, Cục NTTS, thuộc Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia (MMAF) đã đưa ra mức sản lượng cụ thể năm 2021 sẽ giảm càn 1,23 triệu tấn (năm 2020 là 1,47 triệu tấn). Sản xuất rô phi của Bangladesh cũng công bố tăng trưởng kép 38% giai đoạn 2010 – 2018. Trong năm 2019, sản lượng rô phi nuôi của Bangladesh đạt 360.000 tấn và tăng lên 370.000 vào năm ngoái. Trong khi, mức tăng trưởng kép (2010 – 2018) của hai nước sản xuất cá rô phi hàng đầu ở Đông Nam Á (Philippines và Thái Lan) dao động 0,9 – 2,1%. Việt Nam cũng đang tăng năng lực sản xuất cá rô phi nhằm đa dạng hóa sản phẩm cá thịt trắng phục vụ xuất khẩu.

Năm 2020, tổng sản lượng cá rô phi của Trung Quốc đạt 1,75 triệu tấn. Ảnh: Hainan

Theo GOAL 2020, tổng sản lượng cá rô phi toàn cầu trong năm ngoái xấp xỉ 6,05 triệu tấn, tăng 0,8% so năm 2019. Trong khi, Globefish (FAO, 2021) đưa ra con số nhỉnh hơn là 6,93 triệu tấn, tương đương năm 2019. Mặt khác, sản xuất cá rô phi tại Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh đã tăng trưởng nhẹ trong năm 2020. Hiện, Ai Cập vẫn là vựa sản xuất cá rô phi của châu Phi với sản lượng 1 triệu tấn cho năm 2020. Ngoài ra, sản xuất cá rô phi đang mở rộng tại tiểu vùng Sahara; đây là đối tượng nuôi phổ biến nhất tại khu vực này với sản lượng dao động 125.000 – 150.000 tấn/năm. Theo Van der Pijl (2020), tiểu vùng Sahara là trung tâm nuôi cá rô phi mới nổi và đầy tiềm năng của thế giới, chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa. Sản lượng rô phi của Brazil ước đạt 500.000 tấn trong năm 2020 (GOAL 2020). Theo báo cáo UCN 2019, Brazil đang tự tin cạnh tranh với rô phi đông lạnh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ do các hãng gia cầm của nước này đang bắt đầu đa dạng hóa hoạt động cùng các trang thiết bị, công nghệ chế biến hiện đại và sự hợp tác với các công ty về di truyền học.

Tiêu thụ ổn định tại Mỹ

Rô phi đứng thứ 5 trong danh sách mặt hàng thủy sản có lượng tiêu thụ cao nhất thị trường Mỹ trong năm 2019, theo Viện Thủy sản quốc gia (NIF) ở mức 0,98 lbs/người (0,45 kg). Khi đại dịch bùng lên, nhiều người tiêu thụ lựa chọn cách thức mua cá rô phi và chế biến tại nhà thay vì ra nhà hàng như trước đây. Theo ghi nhận của Globefish, do là sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn nhiều loại thủy, hải sản khác, cộng với chỗ đứng vững chắc tại kênh bán lẻ, rô phi thu hút được đông đảo người tiêu dùng Mỹ. Tiêu thụ rô phi tại Mỹ nhìn chung tương đối ổn định dù nhập khẩu từ Trung Quốc tạm thời giảm do lượng cá dự trữ trong kho tràn ngập. Suốt 9 tháng đầu năm ngoái, nhập khẩu rô phi đông lạnh nguyên con của Mỹ đã tăng lên 18.500 tấn còn nhập khẩu fillet đạt 82.800 tấn, tăng 18% khối lương so năm 2019, trị giá 460 triệu USD, tăng 6%.

Thích ứng với đại dịch

Theo báo cáo của Globefish (FAO, 2020) dựa trên số liệu thống kê đến tháng 9/2020, ngành rô phi châu Á nói riêng cũng đối mặt một đợt suy thoái ngắn trong năm 2020. Cần nhấn mạnh, thị trường cá rô phi đã thích ứng với đại dịch COVID-19 và chịu tác động tương đối nhỏ khi so sánh với các ngành hàng khác nhờ vào chỗ đứng vững chắc trong hệ thống bán lẻ và sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch.

Tại Trung Quốc, nước sản xuất và xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới, sản lượng thu hoạch trong năm 2020 đã giảm khoảng 3% so năm 2019. Nguyên nhân do hoạt động nuôi và chế biến cũng như tiêu thụ tại thị trường nội địa đều đi xuống COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại các nước châu Á khác như Indonesia và Philippines.

Phân tích về các ảnh hưởng của COVID-19 lên tiêu thụ và thương mại cá rô phi theo từng vùng sản xuất, Fitzsimmons (2020) cho biết, trước vài tháng đại dịch, xuất khẩu rô phi của Trung Quốc sang Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất của rô các sản phẩm đông lạnh đã giảm 30 – 40% do áp bị thuế trả đũa 10% (sau tăng lên 25%) từ tháng 9/2018. Tiêu thụ giảm buộc các hãng xuất khẩu và chế biến cá rô phi Trung Quốc phải hạ giá bán. Khi thuế trả đũa được gỡ bỏ vào tháng 3/2020, xuất khẩu nhích lên nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2017.

Do đại dịch, nhiều hội chợ thủy sản quy mô phải hủy bỏ, tác động sâu rộng đến thương mại cá rô phi của châu Á nói chung. Theo một báo cáo trên chinadialogue.net (Zhang, 2020), khoảng 200 doanh nghiệp Trung Quốc thường xúc tiến sản phẩm tại các hội chợ thủy sản thường niên ở Brussels, chiếm 40 – 50% đơn đặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Nhưng trong tháng 3/2020, khách hàng đã hủy hơn 40% đơn hàng. Hiệp hội Chế biến và Tiếp thị sản phẩm thủy sản Trung Quốc (CAPPAMA) cho biết, một nửa sản lượng rô phi của nước này để phục vụ xuất khẩu, trong đó hàng đi Mỹ chiếm 1/3. Khảo sát của Liên minh rô phi bền vững Hải Nam phát hiện 10% nông dân không thả nuôi vụ mới trong năm qua. Các hãng sản xuất rô phi Trung Quốc đang cân nhắc mở rộng tiêu thụ nội địa kết hợp tìm kiếm thị trường quốc tế. Tại Quảng Đông, vựa nuôi cá rô phi lớn nhất của Trung Quốc, giá cổng trại cá size 500 – 800 g/con chỉ 9,34 CNY/kg (1,42 USD/kg) trong tuần 13 của năm 2021.

Do chu kỳ nuôi cá rô phi ngắn 6 – 8 tháng, nông dân sẽ bỏ cuộc ngay nếu gặp khó khăn khiến cho nguồn cung khó đoán và giá cả biến động. Tại Philippines, nơi tiêu thụ rô phi hàng năm rơi vào khoảng 5 kg/người, COVID-19 cũng làm giảm doanh số và giảm 20% giá bán cổng trại. Giá bán lẻ rô phi size 5 – 6 con/kg giảm từ 95 – 130 PHP/kg (1,9 – 2,6 USD/kg) trong tháng 1/2020 xuống 70 – 120 PHP/kg (1,4 – 2,4 USD/kg) vào tháng 1/2021. Tại Sumatra, Indonesia, trong tháng 9/2020, giá cá rô phi 19.000 IDR/kg (1,3 USD/kg) giảm gần 16% còn 16.000 IDR/kg (1,10 USD/kg). Lợi nhuận không đáng kể, giá bán lại giảm 10,53%, nhiều nông dân thua lỗ mà nguyên nhân chính do cung vượt cầu.

Đan Linh

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!