(TSVN) – VASEP nhận định nguồn cung nguyên liệu tôm để chế biến xuất khẩu hiện nay khá ổn định, trong khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, yếu tố chính quyết định sự phục hồi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại chính là thị trường.
COVID-19 làm thay đổi thói quen tiêu thụ hàng thủy sản, xáo trộn nhu cầu của các phân khúc thị trường tiêu thụ tôm. Trong sự rối loạn đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, đã linh hoạt trong chiến lược sản phẩm và thị trường, để biến thách thức thành cơ hội. Hiện, Mỹ, EU và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là những thị trường có vai trò chi phối tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang có động lực hồi phục “thần tốc”, không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí, sau khi nhờ triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng COVID-19, cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của chính phủ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước này đang khôi phục và ổn định lại, nhiều thông tin cho rằng nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Mỹ trong năm 2021 sẽ tăng mạnh.
Tôm luôn nằm trong top đầu tiêu thụ thủy hải sản tại Mỹ, ước tính kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2021 đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, sự hồi phục của thị trường Mỹ, được đánh giá là đòn bẩy cho xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng tiếp theo, nhất là khi nước Mỹ mở cửa hoàn toàn 50 bang từ ngày 20/5/2021.
Theo các doanh nghiệp, tôm Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ, khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Tuy nhiên, tôm Việt cũng chịu sự cạnh tranh khá gay gắt từ Ecuador và Indonesia, do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường và có chiến lược xuất khẩu hợp lý.
Cho tới nay, người tiêu dùng Mỹ vẫn ưa chuộng sản phẩm tôm chế biến và giá trị gia tăng. Năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn tăng 7% so với năm trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng nhập khẩu tôm của Mỹ trong những năm tới tăng trưởng tốt và ổn định, tới năm 2027, khối lượng nhập khẩu tôm của nước này có thể vượt mức 1 triệu tấn.
Cùng với Mỹ, thị trường EU cũng đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mặc dù sự hồi phục kinh tế của khối thị trường này chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục rõ rệt, khi dịch bệnh đang được khống chế dần dần tại EU. Các nhà nhập khẩu châu Âu có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thủy sản Việt Nam, với lợi thế thuế quan từ hiệp định EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU tháng 5 tiếp tục tăng 30% đạt gần 95 triệu USD, sau khi tăng mạnh 36% trong tháng 4 với 97 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 50% với gần 199 triệu USD, tăng 22% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam trong 2 năm qua tiếp tục tăng mạnh, trong đó xuất khẩu sang Australia tăng 65% trong 5 tháng đầu năm 2021, sang Canada tăng 12%, sang Anh tăng 17%. Những thị trường này đều chiếm tỷ trọng 3,3 – 4% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sẽ là những thị trường có vai trò đáng kể, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 và những năm tới.
Chỉ tính riêng quý I/2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Australia tăng trưởng đáng kinh ngạc so cùng kỳ năm trước. Tính đến nửa đầu tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Australia đạt 47,4 triệu USD, tăng 60% so cùng kỳ năm ngoái.
Là thị trường xuất khẩu tôm tiềm năng trong khối thị trường CPTPP, trong 2 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu tôm (nhất là TTCT) sang thị trường Australia khả quan. Trong quý I/2021, có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường Australia trong quý I đầu năm nay cũng khá đa dạng, trong đó, chủ yếu là sản phẩm TTCT và tôm sú đông lạnh (HS 03061721 và 03061722): TTCT tươi PDTO đông lạnh, TTCT tươi, lột vỏ, bỏ đầu, còn đuôi, tôm sú PD tươi, đông lạnh, thịt tôm mũ ni, tôm mũ ni nguyên con. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm tôm khô (HS 03069530) sang Australia…
Theo thống kê mới nhất của ITC, 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Brunei là 5 thị trường cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Australia, trong đó, Việt Nam là thị trường lớn nhất, chiếm đến 65% tổng giá trị tôm nhập khẩu. Mặc dù giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước đối thủ từ 1 – 2,71 USD/kg, nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường này.
Năm ngoái, nhập khẩu tôm của Australia bị ảnh hưởng do COVID-19, doanh số tiêu thụ tôm trên toàn quốc giảm mạnh do lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên kể từ cuối năm 2020 và đầu năm nay, nhiều nhà nhập khẩu, nhà cung cấp, kênh phân phối bán lẻ đã thích nghi với dịch bệnh, để thúc đẩy lại hoạt động kinh doanh. Nhiều phương thức bán hàng được thay đổi, theo hướng dịch vụ giao hàng tận nhà tăng lên, ưu tiên thanh toán bằng thẻ và người mua hàng trực tiếp phải tuân thủ yêu cầu về khoảng cách. Đối với các sản phẩm bán buôn, cũng có thể được mua từ hệ thống các cửa hàng, đồng thời chuỗi nhà hàng, nhà cung cấp thủy sản địa phương chấp nhận đặt hàng trước.
Với những kết quả khả quan, các thị trường trên đóng vai trò đáng kể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 và những năm tới.
Anh Vũ