T5, 02/12/2021 04:36

Thị trường Mỹ “sáng” giữa đại dịch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo dữ liệu thương mại thủy sản mới nhất của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), Mỹ đã nhập khẩu 74.040 tấn tôm trong tháng 9/2021, ít hơn 1% so với 75.062 tấn nhập khẩu vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm của Mỹ đã tăng trưởng dương 9 tháng liên tiếp trước đó, trở thành điểm sáng của ngành tôm thế giới.

Trong tháng 9, có tới 14 trong số 20 nguồn cung cấp tôm hàng đầu của Mỹ có sản lượng xuất khẩu sụt giảm, trong đó có 6 nhà sản xuất lớn nhất: Ecuador (-10%),  Indonesia (-19%), Việt Nam (-7%), Thái Lan (-26%), Mexico (-49%) và Argentina (-42%). Tuy nhiên, ông Jeff Sedacca, Giám đốc điều hành của Union City, Sunnyvale Seafood có trụ sở tại California, cho biết sự sụt giảm này chỉ là tạm thời do những thách thức liên quan đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới khi thiếu container vận chuyển, tủ đông và nguồn lao động, trong khi đó, nhu cầu và các giá trị thị trường khác tại Mỹ vẫn ổn định.

Giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 9, đạt khoảng 683,06 triệu USD, tăng 5% so với 651,89 triệu USD trong cùng kỳ năm trước. Giá trung bình trong tháng 9 vào khoảng 9,22 USD/kg; cao hơn 6% so với mức 8,86 USD/kg của tháng 9/2020; cao hơn gần 1% so với mức 9,20 USD/kg được trả vào tháng 8/2021 và cao hơn 6% so với mức trung bình 8,70 USD/kg hồi tháng 7/2021.

Hầu hết các nhà cung cấp tôm cho Mỹ đều tăng giá trong tháng 9, điều này cho thấy dù trọng tải giảm nhẹ nhưng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với tôm vẫn mạnh mẽ.

Tôm Ấn Độ tăng thị phần

Trong số 10 nguồn nhập khẩu tôm hàng đầu của Mỹ, chỉ có hai nguồn – Ấn Độ (đứng thứ nhất) và Trung Quốc (đứng thứ 8) – ghi nhận sự tăng trưởng khối lượng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 9.

Ấn Độ đã xuất khẩu sang Mỹ 32.738 tấn tôm, trị giá 296,1 triệu USD, nhiều hơn 31% về khối lượng so với 24.992 tấn và nhiều hơn 34% về giá trị so với 220,4 triệu USD hồi tháng 9/2020.

Đối với Ấn Độ, sự gia tăng này diễn ra bất chấp việc quốc gia này phải hứng chịu phần lớn thời gian của năm 2021 từ tình trạng thiếu công nhân tại nhà máy chế biến và trại sản xuất tôm giống thiếu nguồn cung cấp ôxy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra.

Giá trung bình Mỹ trả cho tôm Ấn Độ trong tháng 9 là 9,05 USD/kg, tăng 3% so với mức 8,82 USD/kg được trả vào tháng 9/2020. Dự kiến giá tôm Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng này trong thời gian tới do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu.

Ecuador dự kiến phục hồi

Ecuador đã có chuỗi xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng đáng kinh ngạc qua hàng tháng so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn hàng dự trữ.

Quốc gia này đã xuất khẩu sang Mỹ 13.611 tấn tôm vào tháng 9/2021, ít hơn 10% so với 15.160 tấn trong tháng 9/2020. Tuy nhiên, trong tháng 8/2021, Ecuador đã xuất khẩu sang Mỹ 16.496 tấn tôm. Ngoài ra, Ecuador cũng đã được trả 111,4 triệu USD trong tháng 9/2021, tăng 19% so với 93,8 triệu USD trong cùng kỳ năm trước.

Giá trị tăng vọt thể hiện ở mức giá trung bình Mỹ trả cho tôm Ecuador trong tháng 9 năm nay là 8,18 USD/kg, tăng 32% so với mức 6,18 USD hồi tháng 9/2020 và cao hơn 1% so với mức trung bình 8,07 USD/kg được trả trong tháng 8/2021.

Ông Sedecca cho biết Ecuador đã và đang phải tái xây dựng chuỗi cung ứng của mình sang Trung Quốc và châu Âu sau khi dính phải một loạt các đợt “tấn công” liên quan đến virus corona và phải chịu một sự thay đổi lớn tại các thị trường đó. Ông cũng nhận xét con số sẽ sớm khả quan khi Mỹ đang tăng nhu cầu nhập khẩu từ quốc gia này để chuẩn bị cho các dịp lễ lớn cuối năm.

Tuy nhiên, Indonesia đã không tận dụng được sự sụt giảm của Ecuador để trở lại vị trí cũ là nguồn cung tôm lớn thứ hai của Mỹ vào tháng 9. Quốc gia này đã xuất khẩu sang Mỹ 11.561 tấn tôm, trị giá 102,4 triệu USD trong tháng, giảm 19% về khối lượng và giảm 21% về giá trị. Giá tôm trung bình Mỹ trả cho Indonesia là 8,86 USD/kg, giảm 3% so với mức 9,12 USD/kg được trả vào tháng 9/2020.

Mexico, Argentina hoán đổi vị trí

Mexico và Argentina đã thay đổi vị trí trong tháng 9 khi Mexico trở thành nguồn cung tôm lớn thứ năm của Mỹ, trong khi đó, Argentina chuyển sang vị trí thứ sáu bất chấp việc xuất khẩu tôm Mexico sang Mỹ đã có sự sụt giảm.

Trong tháng 9/2021, Mexico đã xuất khẩu 1.281 tấn tôm sang quốc gia này, đạt trị giá 12,4 triệu USD, giảm 49% về lượng và 49% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá tôm trung bình lại tăng 8% lên mức 9,63 USD/kg so với mức 8,89 USD/kg một năm trước đó.

Argentina đã xuất khẩu sang Mỹ 1.200 tấn tôm, trị giá 13,9 triệu USD trong tháng 9 năm nay, giảm 42% về khối lượng và 37% về giá trị so với cùng kỳ. Giá tôm trung bình nước này cũng tăng 9% lên 11,58 USD/kg từ mức 10,63 USD/kg cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Trung Quốc “bớt ảm đạm”

Dù ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng quốc gia này cũng đã xuất khẩu 672 tấn tôm, trị giá 5,0 triệu USD vào tháng 9/2021, tăng 43% về lượng và tăng 37% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá tôm Trung Quốc trung bình ở mức 5,24 USD/kg, thấp hơn 4% so với mức 5,47 USD/kg hồi tháng 9 năm ngoái.

Các nhà nhập khẩu tôm Trung Quốc của Mỹ đã trả 7,2 triệu USD thuế quan trong 8 tháng đầu năm 2021 và hiện đã trả gần 50,0 triệu USD kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào tháng 7/2018.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 5.437 tấn tôm, trị giá 28,9 triệu USD từ cường quốc này. Đây là mức giảm mạnh thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2018 khi Mỹ nhập khẩu 50.845 tấn tôm Trung Quốc, trị giá 339,7 triệu USD.

>> Trong tháng 9/2021, Mỹ đã nhập khẩu 8.049 tấn tôm từ Việt Nam, đạt trị giá 91,4 triệu USD, giảm 7% về khối lượng và tương đương giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm Việt Nam trung bình khoảng 11,35 USD/kg, tăng 7% so với mức 10,58 USD/kg trong tháng 9/2020.

Thu Hương

Theo Undercurrent News

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!