(TSVN) – Thị trường nguyên liệu biển đang hết sức ảm đạm do sản lượng bột cá và dầu cá toàn cầu năm 2023 dự đoán bấp bênh trong bối cảnh Peru – quốc gia chiếm 20% tổng sản lượng – đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi điều kiện thời tiết bất lợi và mùa đánh bắt cá cơm đầu tiên bị trì hoãn.
Ông Enrico Bachis, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Tổ chức Thành phần Biển (IFFO) cho biết: “Những yếu tố biến động này là rủi ro đối với thị trường nguyên liệu biển toàn cầu. Hoạt động đánh bắt giảm trong năm nay sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến sản xuất, doanh số bán hàng và giá cả. Phần lớn đều bất an khi Peru – quốc gia chiếm 20% sản lượng bột cá và dầu cá của thế giới – phải đối mặt với hiện tượng La Nina từ năm 2020 và ảnh hưởng đến nguồn cá của nước này. Năm nay, mùa đánh bắt cá cơm đầu tiên của Peru cũng đã bị trì hoãn sang tháng 6 trong khi thời điểm đánh bắt tốt nhất là từ cuối tháng 4 đến tháng 5”.
Bộ trưởng Sản xuất Peru Raul Perez-Reyes cho biết ông sẽ nhận được báo cáo từ Viện Hải dương của nước này (IMARPE), về tình hình sinh học của sinh khối cá cơm trong tuần đầu tiên của tháng 6. Điều này có nghĩa là các công ty bột cá Peru sẽ phải đợi đến tháng 6 khi chính phủ nước này công bố liệu có mùa đánh bắt cá cơm đầu tiên trong năm nay hay không.
Theo IFFO, cứ 1 kg nguyên liệu biển sẽ được dùng trong 5 kg thức ăn thủy sản. Ảnh: Karen Murray/IFFO
“Phân tích sinh khối gần đây đã chỉ ra nhiều sự hiện diện cao của cá con, tức là chính phủ có thể hạn chế hoạt động bằng cách áp đặt lệnh cấm đánh bắt trong thời gian ngắn. Một năm đầy thách thức đang ở phía trước”, ông Bachis cho biết thêm.
Một công trình nghiên cứu khoa học của IMARPE gần đây đã quan sát thấy cá cơm đang sinh sản “ít hơn bình thường”, cá bơi ở độ sâu 100 m dưới mặt nước và di cư từ Bắc xuống Nam để tìm kiếm vùng nước mát hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ cá con là 82%, tương đối cao, trong khi sinh khối ước tính là 6,45 triệu tấn, dưới mức bình thường.
Ngoài ra, El Nino cũng được dự báo sẽ tác động đến khu vực Mỹ Latinh trong quý cuối cùng của năm nay. Các chuyên gia trong ngành cho biết nghề cá nổi đã phần nào bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ nước ấm hơn. “El Nino đã và đang ảnh hưởng đến ngành này. Nước ấm hơn sẽ đẩy cá vào bờ biển và lặn sâu hơn để tìm kiếm những vùng nước mát, từ đó làm giảm tổng sản lượng bột cá và dầu cá của ngành công nghiệp tàu cá. Chúng tôi dự đoán mùa đánh bắt cá cơm thứ hai của Peru sẽ diễn ra từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau và cũng sẽ đầy thách thức khi trùng với mùa khô của đất nước”, vị đại diện IFFO chia sẻ.
Nguồn cung bột cá và dầu cá trên thế giới được coi là ổn định ở mức khoảng 5 triệu tấn đối với bột cá và 1,1 triệu tấn đối với dầu cá, mặc dù những con số này có thể thay đổi tùy theo năm và điều kiện hải dương học.
IFFO dự báo Peru có thể đánh bắt khoảng 2,7 triệu tấn cá cơm ở cả hai mùa, ít hơn nhiều so với dự kiến. Điều này gây nên sự sụt giảm trong sản xuất nguyên liệu biển ở Peru và chưa có quốc gia nào khác có thể tăng sản lượng và bù đắp cho sự sụt giảm này.
Tuy nhiên, ông Bachis cho biết sản lượng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trong năm 2023, đưa nước này trở thành nhà sản xuất dầu cá và bột cá lớn thứ hai thế giới. “Nếu quốc gia này tăng trưởng thì có thể giảm bớt phần nào áp lực lên Peru, nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn. Đồng thời, không giống như những lần trước, châu Âu cũng sẽ không thể bù đắp khoảng trống nguồn cung của Peru để lại trong năm nay năm”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông Banchis, vấn đề này còn ảnh hưởng đến sản xuất dầu cá của Peru trong năm nay bởi đây là quốc gia có sản lượng dầu cá giàu EPA và DHA omega-3 lớn nhất. Ông giải thích: “Không nhiều quốc gia trên thế giới sản xuất dầu cá giàu hàm lượng như vậy, đó là lý do tại sao giá sản phẩm này tăng cao trong thời điểm hiện tại. Nếu Peru cũng sản xuất ít dầu cá hơn, giá sẽ tiếp tục tăng trong năm nay”.
Lần đầu tiên có thể thấy sự cạnh tranh giữa ngành nuôi trồng thủy sản và ngành dược phẩm và thực phẩm bổ sung trong cuộc đua thu mua dầu cá. Ngành dược phẩm vẫn luôn có đủ trữ lượng dầu cá trong kho nhưng năm 2023 sẽ ở mức tối thiểu. Ngành này sẽ cần mua nhiều hơn và cạnh tranh trực tiếp với ngành nuôi trồng thủy sản trong một năm đầy thách thức đối với sản xuất dầu cá.
Nhu cầu đối với omega-3 EPA và DHA tăng 2,6% trong năm 2022, giá dầu cá cao kỷ lục do hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến sản xuất ở Peru. Giá dầu cá ở Peru đã vượt mốc 6.000 USD/tấn, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021, theo dữ liệu được trình bày bởi Fernando Norambuena, Giám đốc cung ứng toàn cầu cho các thành phần mới của Tập đoàn BioMar, tại cuộc họp với các thành viên IFFO ở Madrid, Tây Ban Nha hồi giữa tháng 5/2023.
Hải Phong
Theo UCN