Xuất khẩu thủy sản truyền thống của Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn ổn định, nhờ sự bù đắp từ những thị trường mới nổi trong ASEAN, nhất là Singapore.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm lại đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Singapore liên tục tăng. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang đây chỉ 74 triệu USD, những năm sau đó tăng dần và đạt 107 triệu USD/năm 2014 (tăng gần 45% so năm 2010).
Singapore hiện có khoảng 5,5 triệu dân, bằng khoảng 50% dân số TP Hồ Chí Minh, nhưng chỉ tính riêng mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào đây năm 2014, đã thấy người Singapore chấp nhận “chi tiêu mạnh” cho các món ăn liên quan thủy sản. Làm gì để tiếp tục chinh phục thị trường như Singapore, vẫn là câu hỏi không dễ trả lời, với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, tùy theo thị hiếu người tiêu dùng, mỗi mặt hàng thủy sản Việt Nam được ưa chuộng ở nơi này hay nơi khác.
Quý I/2015, xuất khẩu tôm sang Singapore đạt 9,91 triệu USD – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 3/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Singapore lớn nhất trong khối ASEAN, với giá trị xuất khẩu đạt 9,91 triệu USD. So với những mặt hàng thủy sản đem về cho Việt Nam hơn 8 tỷ USD/năm 2014, tôm chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu, do tôm có nhiều sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng hơn các mặt hàng khác. Việc mặt hàng tôm Việt Nam có nhiều mặt hàng giá trị gia tăng sẽ là một lợi thế ở những thị trường như Singapore.
Theo phía doanh nghiệp, để chiếm lĩnh thị trường Singapore, vốn đòi hỏi những sản phẩm giá trị gia tăng, doanh nghiệp phải có những nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu người Singapore, để tạo ra những sản phẩm thích hợp.
Tuy nhiên, việc có một nghiên cứu đầy đủ về hành vi, thị hiếu này, một vài doanh nghiệp sẽ không làm được, vì chi phí lớn. Do đó, nếu các cơ quan quản lý, tổ chức xúc tiến thương mại nghiên cứu thị trường rồi bán thông tin cho doanh nghiệp là tốt nhất. Làm được điều này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng, các mặt hàng thủy sản nói chung tránh “vừa đi vừa dò đáy để vượt sông” như lâu nay, tức là ngồi chờ phía nhập khẩu đặt hàng rồi sản xuất theo đơn đặt hàng, không tự chào bán sản phẩm đúng thị hiếu người tiêu dùng.
Thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có xâm nhập được sâu hơn nữa vào Singapore hay để mất lợi thế cạnh tranh với nước khác, bây giờ là câu chuyện của mỗi doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.