T4, 05/10/2022 09:02

Thị trường sò điệp Mỹ: Áp lực tăng giá cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Do sản lượng khai thác thấp, hiện giá và nhu cầu tiêu thụ sò điệp tại Mỹ đều tăng vọt. Nguồn cung nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu, tạo cơ hội cho hàng nhập khẩu tràn vào thị trường.

Khan hàng và bão giá

Vụ khai thác sò điệp Atlantic vụ 2022/23 dọc vùng ven biển Atlantic từ khu vực miền Trung Atlantic đến biên giới Mỹ – Canada chính thức mở cửa vào ngày 1/4/2022. Theo Framework Adjustment 34, sản lượng khai thác sò điệp Atlantic trong vụ năm nay dự kiến ở mức là 34 triệu pound. Con số này đã giảm 15% so với mức 40 triệu pound dự kiến vào năm ngoái và chỉ bằng gần một nửa mức dự tính của năm 2019 là 62,5 triệu pound. Như vậy, 34 triệu pound là mức sản lượng dự tính thấp nhất kể từ năm 2014.

Theo kết quả khảo sát sinh khối, trữ lượng sò điệp Mỹ đang giảm dần. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhà quản lý nguồn lợi biển tại quốc gia này liên tục đưa ra các quyết định cắt giảm hạn ngạch khai thác. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội đồng Quản lý ngư trường New England (NEFMC) trong đợt rà soát trữ lượng sò điệp 2021, nguồn lợi sò điệp Atlantic vẫn tương đối tốt và không có dấu hiệu bị khai thác quá mức. Sinh khối sò điệp ở trung Atlantic giảm là do nhóm khảo sát đã không phát hiện các dấu hiệu phục hồi sinh sản của sò điệp trong các năm tiếp theo.

Theo Framework Adjustment 34, sản lượng khai thác sò điệp Atlantic trong vụ năm nay dự kiến ở mức là 34 triệu pound. Ảnh: AP

Những biến động trên thị trường sò điệp nội địa Mỹ năm nay phần lớn phụ thuộc vào kích cỡ của sản phẩm. Sò điệp cỡ lớn đang thiếu hụt nghiêm trọng, khiến giá mặt hàng nằm trong phân khúc cao cấp nhất càng trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, nhiều mặt hàng sò điệp cỡ nhỏ sẵn nguồn cung và giá mềm hơn. Đây cũng là một xu hướng điển hình trên thị trường sò điệp và mang tính chất mùa vụ. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang được theo dõi chặt chẽ hơn và dần biến mất sau khi nhà chức trách tung ra các báo cáo về vụ khai thác mới thành công tại các phiên đấu giá ở chợ thủy sản New Bedford, Massachusetts.

Giá bán sò điệp nội địa tăng cao, đưa mặt hàng này lọt vào nhóm thực phẩm thượng hạng là do sản lượng khai thác trong các vụ gần đây sụt giảm liên tục dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ từ các kênh bán lẻ và dịch vụ ẩm thực trong các tháng mùa hè tăng vọt đã đẩy giá bán buôn sò điệp vượt mức trung bình lịch sử và phá vỡ các xu hướng thị trường điển hình xuất hiện theo mùa. Tuy nhiên, nỗ lực khai thác trong vụ mới đã góp phần hạ nhiệt giá sò điệp, thậm chí một số mặt hàng đã giảm xuống dưới mức giá của năm 2021.

Giá bán buôn sò điệp nội địa vào thời điểm đầu tháng 8/2021 và 4 tháng cuối năm 2022 đối với sò điệp cỡ U/10, cũng là mặt hàng được tiêu thụ chủ yếu tại các nhà hàng và dịch vụ ẩm thực đang được chào ở mức trung bình 25,25 USD/pound. Dù mức giá này thấp hơn 5,75 USD/pound so cùng kỳ năm ngoái, nhưng cao hơn mức trung bình 5 năm trước là 17,12 USD/pound. Sò điệp cỡ 10/20, là cỡ bán lẻ phổ biến nhưng do nguồn cung sò cỡ lớn đang khan hiếm, nên sò điệp cỡ nhỏ cũng tràn vào các kênh dịch vụ ẩm thực và giá tăng vọt lên 15,75 USD/pound, thấp hơn năm ngoái 2,20 USD/pound nhưng cao hơn mức trung bình 5 năm khoảng 3,30 USD/pound.

Cơ hội cho hàng nhập khẩu

Sò điệp nhập khẩu cũng đang tràn vào thị trường Mỹ, số lượng ngày càng tăng do nguồn cung sò điệp nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng sò điệp nhập khẩu từ trong 6 tháng đầu năm đạt 35,4 triệu pound, tăng 65,4% so với mức nhập khẩu trung bình 6 tháng đầu năm của 5 năm trước là 21,4 triệu pound. Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, và Argentina đều tăng khối lượng sò điệp xuất khẩu vào Mỹ nhiều hơn so với năm ngoái. Mặc dù khối lượng nhập khẩu tăng, giá sò điệp nhập khẩu cũng cao hơn do chi phí vận chuyển tăng, thiếu hụt lao động, hậu cần vướng mắc cũng như nhu cầu tiêu thụ tại châu Âu tăng vọt khiến các chi phí thay thế tiếp tục duy trì ở mức cao.

Sắp tới, khi mùa hè cũng là mùa cao điểm về tiêu thụ sò điệp qua đi, thị trường sò điệp có thể đi xuống và nhu cầu tiêu thụ giảm dần. Tháng 10 hàng năm cũng là thời thời điểm ghi nhận doanh số bán hàng tăng trưởng chậm nhất. Tuy nhiên, nếu dự báo sản lượng khai thác vẫn tiếp tục ở mức thấp như dự báo của một số chuyên gia chủ chốt trong ngành sò điệp, thì những hạn chế về nguồn cung có thể gây áp lực lớn lên thị trường trong quý cuối cùng của năm nay. Đây là thời điểm giá cả thường tăng do vào cuối vụ, hoạt động khai thác giảm dần khi thời tiết bất lợi, khó tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.

>> Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu giá sò điệp quý IV/2022 có diễn biến tương tự năm 2021 và dần tăng lên mức đỉnh điểm hay không? Tuy nhiên, sau một năm quay cuồng vì lạm phát, người tiêu dùng Mỹ thắt chặt chi tiêu, ngay cả trong mùa lễ hội, có nhiều khả năng thị trường sò điệp sẽ đi theo một diễn biến khác và ngược hoàn toàn với những xu hướng của các năm trước.

Đan Linh

Theo Urner Barry

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!