T5, 20/01/2022 09:52

Thị trường thủy sản toàn cầu – Nỗ lực vượt thách thức COVID-19

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau khi giảm gần 2% vào năm 2020 do đại dịch, sản lượng thủy sản toàn cầu kỳ vọng phục hồi vào năm 2021 với tăng trưởng 1,5%. Tỷ lệ phủ vaccine tăng, các lệnh hạn chế được nới lỏng, cùng sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ đã thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, thách thức COVID-19 vẫn còn dai dẳng.

2021 – Hành trình phục hồi chật vật

Nhuyễn thể

Nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine thành công tại châu Âu, nhiều nhà hàng đã mở cửa trở lại khiến cầu tiêu thụ nhuyễn thể tăng mạnh. Giá sản phẩm này tăng vọt tại nhiều hệ thống, kể cả kênh bán lẻ. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, thị trường nhuyễn thể lại đối mặt một tương lai bấp bênh.

Quyết định của Pháp cho phép người tiêu dùng chỉ đến nhà hàng khi có “thẻ xanh COVID” vào tháng 8/2021 đã cản trở kinh doanh của khối nhà hàng và cuối cùng tác động ngược trở lại ngành kinh doanh nhuyễn thể. Tuy nhiên, thị trường nhuyễn thể phụ thuộc vào sự phát triển của các chủng mới COVID-19. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và chương trình tiêm chủng hiệu quả, thì nhu cầu đối với nhuyễn thể sẽ tăng, và giá cũng tăng theo đáng kể. Nếu phong tỏa xuất hiện trở lại, thị trường này cũng sẽ đóng băng.

Mực, bạch tuộc

Nguồn cung bạch tuộc thắt chặt hơn suốt mùa hè 2021 do Ma Rốc đã giảm hạn ngạch 2.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ bạch tuộc tăng vọt khi châu Âu mở cửa trở lại và du lịch nhộn nhịp hơn. Nguồn cung bạch tuộc vẫn tiếp tục eo hẹp đến hết năm 2021 nhưng mực ống dồi dào hơn.

Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ vẫn cao ở hầu hết các thị trường phương Tây suốt mùa hè và cuối năm 2021. Giá của sản phẩm này vẫn duy trì ở mức cao. Với mực ống, cả nguồn cung và cầu đều tốt và có xu hướng tăng dần. Lệnh cấm của Trung Quốc về khai thác mực ống tại Đông Tây Thái Bình Dương tác động đến ít nhất 600 tàu cá Trung Quốc, khiến giá mực ống tăng cao và Trung Quốc phải tăng nhập khẩu mặt hàng này.

Cua

Sau năm 2020 ảm đạm, thị trường cua đón nhận những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Các số liệu cho thấy thương mại tăng trưởng ở tất cả các thị trường. Khi nhu cầu không ngừng tăng, thì nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn và giá cua còn tăng cao.

Trên toàn cầu, nhập khẩu cua đã tăng 7,4% suốt quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020. Vụ khai thác cua Dungeness California kéo dài từ 1/1 đến 1/6/2021 với sản lượng thấp do thời lượng khai thác quá ngắn đã khiến giá sản phẩm này đạt kỷ lục 6,02 USD/pound so mức 3,60 USD/pound vào năm ngoái. Vụ khai thác cua của Nga, Canada hay Alaska cũng không tiến triển tích cực hơn.

Cầu sẽ tiếp tục giữ vững cho đến hết năm, và nguồn cung ngày càng thắt chặt hơn. Nguồn cung cua huỳnh đế và cua tuyết tương đối tốt, nhưng cầu vẫn đang vượt cung tại châu Á và Bắc Mỹ và dự kiến còn kéo dài hết năm 2021 khiến giá cua tăng cao hơn vào năm sau.

Bột cá – Dầu cá

Bộ sản xuất Peru tuyên bố hạn ngạch khai thác cá cơm vụ đầu tiên tại vùng Trung tâm phía Bắc là 2,51 triệu tấn và hoạt động khai thác vẫn duy trì ở mức tốt. Cùng đó, thương mại toàn cầu bột cá và dầu cá cũng nhận được đà tăng. Do giá bột cá tương đối thấp so với năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường mua bột cá từ Peru, nâng tổng khối lượng nhập khẩu quý đầu 2021 lên 385.000 tấn. Từ nửa đầu năm 2020, giá bột cá tăng vừa phải hơn nhờ sự phục hồi của hoạt động nuôi trồng tại các thị trường chính, đặc biệt là Trung Quốc sau đại dịch.

Tính đến nay, sản lượng khai thác cá cơm của Peru vẫn khả quan. Sự xuất hiện của các đàn cá non ngày càng tăng, hoạt động khai thác cá cơm đang bị kìm hãm nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng tích cực chung của vụ năm nay.

Ảnh: Hicham Rafih

Cá tra và rô phi

Nhu cầu tiêu thụ cá tra phục hồi về mức trước đại dịch tại một số thị trường chính như Trung Quốc và Mỹ. Dịch vụ ẩm thực vẫn là kênh tiêu thụ quan trọng nhất của cá tra. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại thị trường châu Âu lại không ổn định, nhưng đây cũng là động lực để cá tra tìm kiếm các thị trường thay thế.

Dù nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng mạnh tại nhiều thị trường, song người nông dân vẫn phải bán cá tra với mức giá tương đối thấp. Tại Việt Nam, trung tâm sản xuất cá tra của thế giới, tình trạng thiếu hụt lao động do đại dịch, chi phí chế biến, và logistics tăng cao cũng đang tác động đến hoạt động sản xuất cá tra.

Sản lượng cá rô phi toàn cầu cũng được cải thiện trong năm 2021. Theo NASF, diễn đàn thủy sản Bắc Atlantic, sản lượng rô phi năm 2021 tăng thêm 150.000 tấn, tương đương 2% từ sản lượng ước tính 7 triệu tấn vào năm 2020. Trong đó sản lượng rô phi của Brazil vượt 500.000 tấn. Khi đại dịch bùng phát, những loại cá thịt trắng giá rẻ như rô phi trở thành sự lựa chọn hàng đầu.

Cá hồi

Sản lượng cá hồi của Na Uy 3 tháng đầu năm đã tăng 6% so cùng kỳ, đạt 39,5 triệu tấn. Còn Chilê, dù gặp khó khăn do đại dịch song sản lượng cá hồi nuôi trong quý đầu cũng tăng 8,6%, đạt 208.400 tấn. Nguồn cung cá hồi tự nhiên từ Alaska và Nga cũng được cải thiện hơn.

Nhìn chung, giá cá hồi ít biến động, và vẫn giữ ổn định ở mức cao, đặc biệt vào dịp cuối năm do nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Trong dài hạn, các hãng cá hồi dự đoán thị trường vẫn khó khăn do nguồn cung bị hạn chế còn nhu cầu tăng mạnh trong khi đó chi phí sản xuất không ngừng tăng cùng chi phí vận tải sẽ tiếp tục là trở ngại với thương mại cá hồi.

Tôm

Nguồn cung tôm nửa đầu năm 2021 vẫn duy trì ổn định. Những nước dẫn đầu về xuất khẩu tôm vẫn là Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Argentina. Ecuador dẫn đầu về xuất khẩu nhờ sự tăng cường sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường. Tôm Ấn Độ vẫn cố gắng gượng vượt đại dịch và duy trì xuất khẩu nhưng vẫn phải chấp nhận sự sụt giảm tại nhiều thị trường trọng điểm như Mỹ (2%), châu Âu (5,5%) và Trung Quốc (30%). Sản lượng khai thác tôm đỏ tự nhiên của Argentina cũng tăng mạnh từ tháng 6, nguồn cung tôm cỡ 20/30 và 30/40 khá dồi dào.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam và Indonesia cũng tăng nhờ các sản phẩm sơ chế và chế biến sẵn. Ngành tôm của châu Á vẫn đang đối mặt tình trạng thiếu hụt container khiến chi phí vận tải tăng phi mã. Nhập khẩu tôm của Mỹ đã tăng 10,1%, đạt 185.900 tấn. Tuy nhiên, tại Trung Quốc thì tôm nhập khẩu lại gặp không ít bất lợi bởi hàng rào kiểm dịch dày đặc để phòng COVID-19.

Giá tôm cổng trại đang tăng dần tại châu Á, đặc biệt vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, giá CFR đến Bắc Mỹ và châu Âu đã tăng 20 – 23% suốt nửa đầu năm 2021 mà nguyên nhân đều do thiếu container và giá cước biển tăng vọt 600%. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường cùng những khó khăn về vận tải sẽ tiếp tục tác động bất lợi đến ngành tôm châu Á.

Cá ngừ

Nửa đầu năm 2021, sản lượng khai thác cá ngừ toàn cầu duy trì ở mức thấp đến trung bình, cùng đó là nhu cầu tiêu thụ chậm chạp tại các thị trường chính. Tiêu thụ cá ngừ tươi và đông lạnh tiếp tục bất ổn tại Nhật Bản và Mỹ nhưng tích cực hơn tại châu Âu và Đông Nam Á.

Ngành cá ngừ hộp năm 2021 có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ở phân khúc bán lẻ, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu tươi sống tại châu Á và châu Âu. Nhập khẩu quá nhiều vào năm 2020 nên suốt nửa đầu năm 2021, các hãng đồ hộp tại Thái Lan vẫn dư thừa nguyên liệu. Tiêu thụ cá ngừ hộp tại châu Âu cũng suy yếu dần do người tiêu thụ không còn đổ xô mua đồ hộp từ cuối năm 2020. Chi phí vận tải tăng cao cũng là mối lo ngại lớn nhất của ngành cá ngừ.

Tại Nhật Bản, thương mại cá ngừ tươi tiếp tục bất ổn, tác động ngược trở lại nguồn cung trong nước và nhập khẩu. Sản xuất cá ngừ nuôi tại Nhật Bản cũng gặp khó khăn khi tiêu thụ tại nhà hàng lao dốc. Do kênh tiêu thụ chính là nhà hàng, nên thị trường cá ngừ lên hay xuống phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến COVID-19 và các đợt phong tỏa cùng sự mở cửa trở lại của các nhà hàng tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Cải tiến và thích ứng

Ảnh: Shutterstock

Các đội tàu khai thác cá cơm của Peru đã kết thúc mùa khai thác đầu tiên thành công, trong khi đó nguồn cung cá đáy toàn cầu cũng được kỳ vọng tăng vào năm 2021. Sau khi giá trị thương mại của các sản phẩm thủy sản trong năm 2020 giảm khoảng 7%, thì các chuyên gia cũng chỉ kỳ vọng một mức tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2021. Mặc dù các điều kiện thị trường đã được cải thiện ở hầu hết các nước từ đầu năm 2021, nhưng sự phục hồi quá khiêm tốn phản ánh một thực tế vẫn còn nhiều thách thức lớn đang ảnh hưởng đến thương mại, cũng như những bất ổn chung liên quan đến sự lây lan của biến chủng COVID-19 Delta.

Tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu đang làm giá cước vận tải tăng chóng mặt, và ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại hàng hóa, nhất là những mặt hàng có giá bán thấp hơn như sản phẩm đông lạnh. Trì hoãn vận chuyển xảy ra khắp nơi và sự hạn chế tiếp tục làm chậm tiến trình dỡ hàng hóa tại cảng biển trọng điểm như Bangkok, trung tâm chế biến cá ngừ lớn nhất thế giới. Những quy định kiểm dịch mới do Trung Quốc đặt ra để ngăn chặn lây lan virus COVID-19 cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu vào thị trường này.

Dù khó khăn ảnh hưởng đến thương mại vẫn tiếp diễn, thị trường năm 2021 vẫn được cải thiện đáng kể, kéo theo triển vọng cho năm 2022. Hầu hết doanh số các mặt hàng đều tăng nhờ cải tiến về sản phẩm, tiếp thị và phân phối từ khi đại dịch xuất hiện. Doanh số bán lẻ tăng vọt và xu hướng nấu ăn tại nhà phát triển mạnh mẽ. Sự mở cửa trở lại, dù toàn bộ hay một phần của ngành dịch vụ ẩm thực tại nhiều quốc gia đã mở ra cơ hội cho hoạt động kinh doanh mặt hàng thủy sản, đặc biệt là sản phẩm phụ thuộc vào nhà hàng như nhuyễn thể, tôm hùm và cua. Nhu cầu tăng trở lại đã thúc đẩy giá bán nhiều sản phẩm, chỉ số giá thủy sản của FAO (FPI) đã quay về mức trước đại dịch, đạt 97 điểm suốt 3 tháng đầu năm 2021 trong khi cùng kỳ 2020 là 95 điểm.

Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn cần thiết dù triển vọng thị trường sáng hơn, vì nhiều nhà hàng vẫn chưa thể hoạt động hết công suất và chính sách quản lý có khả năng thay đổi nhanh chóng mà không cảnh báo trước. Cùng đó, du lịch đến nhiều địa điểm đã dễ dàng hơn nhưng để đạt được lượng khách như trước đại dịch là cả một chặng đường dài với nhiều quốc gia. Với những loài thủy sản phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của nhà hàng theo từng mùa như mực, nhuyễn thể có vỏ, cá chẽm, cá tráp, cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực khi lượng khách du lịch giảm.

Những biến thể mới Delta hay Omicron đang thách thức nhiều nhà thực thi chính sách bởi các đợt bùng phát mới vẫn có nguy cơ đe dọa các quốc gia, đặc biệt là những nơi chưa phủ vaccine. Tuy nhiên trong dài hạn, chính khả năng cải tiến sản phẩm và thích ứng linh hoạt với COVID của ngành thủy sản sẽ là yếu tố đặt nền móng vững chắc cho một thị trường khỏe mạnh và sôi động trong tương lai.

>> Mặc dù các điều kiện thị trường đã được cải thiện ở hầu hết các nước từ đầu năm 2021, nhưng sự phục hồi quá khiêm tốn phản ánh một thực tế vẫn còn nhiều thách thức lớn đang ảnh hưởng đến thương mại, cũng như những bất ổn chung liên quan đến sự lây lan của biến chủng COVID-19 Delta.

Tuấn Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!