Vấn đề đang khiến các nhà cung cấp thủy hải sản lo lắng nhất là giá tôm toàn cầu đang giảm mạnh. Đây là điều mà cuối 2014 nhiều chuyên gia không tính đến, khi dự báo tổng thể thị trường tôm 2015.
Ảm đạm
Đầu tháng 3, Bangladesh phải giảm 42% giá tôm xuất khẩu sang Nga và EU để giữ chân khách hàng. Nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này khá ảm đạm; thêm vào đó, nền kinh tế châu Âu vẫn đà suy giảm, tiền tệ mất giá khiến các nhà nhập khẩu của những thị trường này đối mặt khó khăn chồng chất. Ngành tôm Honduras cũng ảm đạm không kém, xuất khẩu trì trệ do giá bán giảm 6,8%, xuất khẩu tôm tháng 1/2015 chỉ 9,8 triệu USD, giảm 7,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Chung số phận tôm Bangladesh, giá tôm Trung Quốc giảm ngay tại thị trường nội địa. Giá giảm chênh nhau theo từng địa phương nhưng nguyên nhân chung đều do ồ ạt sản xuất, khiến nguồn cung dư thừa. Ngoài ra, thời tiết ấm nóng dần làm tôm lớn nhanh hơn, lượng tôm ra thị trường hầu hết là cỡ lớn. Sau ngày lễ năm mới, người dân quay lại nhịp sống thường ngày, nhu cầu tiêu thụ tôm cũng giảm nhiều.
Giá tôm tại Mỹ cũng lao dốc. Giá trị nhập khẩu tính đến tháng 3/2015 đã giảm gần 1/4. USD tăng giá khiến Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu hấp dẫn. Nhiều nước tăng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có Ấn Độ, Indonesia. Nhập khẩu tôm của Mỹ năm 2014 cao kỷ lục, trên 1,2 triệu pound. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường tôm Mỹ dường như “nghẹt thở”, không đủ sức tiếp nhận thêm, do nguồn cung tôm đang vượt xa nhu cầu tiêu thụ. Theo Urner Barry, chỉ số giá trung bình tôm thẻ chân trắng 4,72 USD/pound, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2013. Như vậy, từ giữa tháng 1/2014 đến tháng 2/2015, giá tôm đã giảm 25%.
Nguồn cung dư thừa, giá tôm toàn cầu giảm mạnh – Ảnh: bloomberg
Hy vọng mong manh
Tại Hội chợ thủy sản Boston ở Bắc Mỹ diễn ra ngày 15 – 17/3/2015, nhiều công ty tỏ ra lo lắng về giá tôm. Một hội thảo về giá tôm được mở ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà kinh doanh, cung cấp và người nuôi tôm. Liệu giá tôm có tiếp tục giảm sâu, khi nào giá chạm đáy và khi nào nhu cầu bắt đầu phục hồi, là những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất, song chưa có câu trả lời. Người lo ngại nhất chính là những nhà nhập khẩu, bởi mỗi lô hàng tôm cập cảng đều giảm giá trị khá nhiều so với thời điểm họ đặt hàng. Thị trường tôm sẽ còn tiếp tục lao dốc ngay cả khi những kênh bán lẻ lớn như Walmart, Kroger mua tôm với giá 4,99 USD/pound. Các kênh bán lẻ được coi là một trong những động lực thúc đẩy tiêu thụ tôm, nhưng gần đây những kênh tiêu thụ này đều có xu hướng giảm mua, do trữ lượng hàng thủy sản đông lạnh của thị trường Mỹ còn tồn đọng quá nhiều.
Nhiều nhà xuất khẩu tôm đều cho rằng Mỹ là “sự lựa chọn còn lại duy nhất trong cuộc chơi”, bởi các thị trường lớn như EU, Nhật Bản không còn là điểm đến hấp dẫn, do kinh tế suy thoái và tiền tệ mất giá. Trong khi đó, niềm hy vọng duy nhất có thể kéo nhu cầu tiêu thụ tôm lên cao tại thị trường châu Á là Trung Quốc cũng không khá hơn, khi kinh tế nước này có dấu hiệu ngày càng đi xuống. Điều này khiến Mỹ dường như là sự lựa chọn duy nhất. Nhưng trong tình trạng sức tiêu thụ tôm quá yếu, cộng với nguồn hàng dự trữ thừa, liệu Mỹ có tiếp tục “vung tay” nhập khẩu tôm nhiều như những năm trước?
Ngành tôm Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc dần phục hồi sau đại dịch EMS; còn Ấn Độ, Ecuador, Indonesia đang là những siêu cường sản xuất tôm, chắc chắn sản lượng năm nay vượt xa nhu cầu. Điều này đúng như dự đoán của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu cuối năm ngoái, khi cho rằng sản lượng tôm toàn cầu sẽ tăng mạnh bởi 2014 là năm khởi sắc ngành tôm nhiều quốc gia. Tuy nhiên, điều không thể lường được là chưa hết quý II/2015, các nước xuất khẩu tôm đã rơi vào tình trạng buộc phải hạ giá bán để đẩy hàng đi, tạo làn sóng giảm giá trên toàn cầu.
Trong khi các quốc gia xuất khẩu tôm thấp thỏm lo tình hình biến động giá cả thị trường quốc tế thì Ecuador tỏ ra lạc quan. Các nhà cung cấp tại Ecuador cho biết, họ vẫn nhận được những đơn hàng khổng lồ từ Trung Quốc (sản phẩm tôm nguyên con) và Việt Nam (với sản phẩm nguyên vỏ bỏ đầu). Nhưng nhiều chuyên gia ngành tôm vẫn hoài nghi sự lạc quan thái quá của ngành tôm Ecuador và cho rằng giá tôm sẽ tiếp tục giảm ít nhất hai quý nữa, cho tới cuối năm nay.
>> Giá tôm thẻ chân trắng toàn cầu giảm nhưng người tiêu dùng tại thị trường EU vẫn phải mua tôm với giá cao do chênh lệch tỷ giá giữa đồng EUR và USD quá lớn. Theo số liệu mới nhất của Undercurrent, giá tôm thẻ Ấn Độ giảm 16,2% trong tuần 15/2015, tôm thẻ Thái Lan mua tại trại giảm 38%. |