T3, 20/04/2021 03:57

Thị trường tôm giống 2021: Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ðối mặt đại dịch COVID-19 năm ngoái, đến nay thị trường tôm giống thế giới vẫn duy trì tốc độ phát triển, nhưng cạnh tranh giữa các hãng cung cấp sẽ ngày càng gay gắt hơn vào năm nay và các năm tiếp theo.

Thách thức logistics

Phụ thuộc gần như hoàn toàn vào vận chuyển hàng không quốc tế, các công ty tôm giống và khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi gián đoạn logistics do COVID-19 gây ra. Khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên quét khắp thế giới, cuộc tranh giành chỗ trên các tuyến vận tải diễn ra gay gắt. Với các Công ty tôm giống, vận chuyển hàng hóa tới khách hàng đúng hẹn trở thành thách thức lớn.

Các hãng tôm giống ở Florida, Mỹ gần 3 cảng hàng không quốc tế nhưng các hãng ở Hawaii lại không thuận lợi như vậy. Neil Manchester thuộc công ty Hendrix Genetics, sở hữu Kona Bay cho biết, Kona Bay bị ảnh hưởng nặng nề do nhiều chuyến bay bị gián đoạn từ Hawaii và phải khắc phục khó khăn bằng cách thuê máy bay chuyến nên xuất khẩu sang Ấn Độ mới không bị gián đoạn vào đầu tháng 5/2020.

Các công ty tôm giống đều tuyên bố trụ vững trước khủng hoảng dịch bệnh, nhưng tất cả đều đối mặt khó khăn chung là chi phí vận tải tăng vọt. Hầu hết doanh nghiệp phải trực tiếp gánh chi phí này khiến giá tôm giống tăng suốt năm 2020. Chi phí trung bình để sản xuất tôm giống bố mẹ năm 2019 chỉ 55 USD, nhưng trong năm 2020 đã tăng lên 60 – 65 USD.

Các chiến dịch sản xuất và tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, không được doanh nghiệp tôm giống kỳ vọng vào việc giải quyết các khó khăn về vận chuyển hàng hóa, ít nhất trong nửa đầu năm 2021. Điều này có nghĩa cước vận tải tiếp tục tăng cao và logistics còn gặp nhiều trở ngại, khó đảm bảo vận chuyển hàng hóa đúng thời gian và địa điểm. Dù vậy, các doanh nghiệp tôm giống bố mẹ vẫn tin tưởng sẽ không bị mất khách hàng và nhu cầu mạnh từ châu Á có thể thúc đẩy kinh doanh tôm giống lập kỷ lục mới trong năm nay.

thị trường tôm giống

Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch để gia tăng cạnh tranh trên thị trường tôm giống – Ảnh: ST

 

Chạy đua đa dạng sản phẩm

Mục tiêu trước đây của các hãng tôm giống là tôm sạch bệnh SPF với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, để phục vụ người nuôi tôm tại châu Á. Nhưng tới nay, mục tiêu của các hãng là cải tiến công nghệ sản xuất, để cung cấp sản phẩm tôm giống mang nhiều tính trạng đặc hiệu hơn. SIS, Kona Bay, CPF và Benchmark đều nằm trong số những hãng đầu tiên cung cấp các dòng tôm cải tiến di truyền khác nhau. Nhưng các hãng ở châu Á như SyAqua, API và SPD cũng lên kế hoạch cung cấp các sản phẩm này ra thị trường.

Nhiều sản phẩm tôm giống đạt tỷ lệ sống cao được bán ra thị trường dưới những thương hiệu đặc trưng như Hardy (SIS), Strength (Kona Bay), Kong (CPF) và Protect (Benchmark). Sản xuất giống tôm khỏe lại càng được chú trọng hơn sau thành công của dòng sản phẩm “High Vigor” của API, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. API đã tạo bước đột phá với tôm bố mẹ có nguồn gốc từ tất cả vật nuôi phơi nhiễm mọi mầm bệnh (APE) từ Ecuador và đã được chứng minh siêu việt về tỷ lệ sống ngay cả trong môi trường khắc nghiệt. Khi dịch bệnh trở thành thách thức nghiêm trọng đối với các trại nuôi tôm Trung Quốc, thì tỷ lệ sống quan trọng hơn tăng trưởng. API đã chiếm lĩnh 45% thị phần và đang nỗ lực mở rộng sang các thị trường khác cũng đang khốn khổ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều công ty khác đang cạnh tranh gay gắt với API trong phân khúc tôm giống khỏe.

Các trại nuôi tôm thâm canh nhà màng ở Mỹ, châu Âu, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia không tìm kiếm tôm thích nghi tốt với môi trường khắc nghiệt, mà quan tâm đến sản phẩm tôm lớn nhanh để rút ngắn chu kỳ nuôi. Do đó, SIS, Kona Bay và CPF phát triển sản phẩm Fast (SIS), Speed (Kona Bay), Yield (Benchmark), Turbo và gần đây là Bolt của CPF, nhắm đến nhóm khách hàng có hệ thống trại nuôi đảm bảo an toàn sinh học cao nhất.

Nhiều trại bán thâm canh ở châu Á với hệ thống an toàn sinh học cao cần tôm giống lớn nhanh, thích nghi tốt với môi trường và chống mầm bệnh. Tuy nhiên, thị trường tôm giống cải tiến di truyền mới tồn tại song song với các giống tôm truyền thống, bởi các công ty đang nỗ lực cân bằng tối ưu giữa tăng trưởng và khả năng thích nghi của tôm. Robin Pearl, Giám đốc nuôi tôm của API cho rằng, xu hướng đa dạng hóa các giống tôm đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên. API sẽ nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều giống tôm hơn. Robin Pearl kỳ vọng API sản xuất được 100 – 200 giống tôm khác nhau, với các tính trạng đặc hiệu cho một số nhóm khách hàng đặc biệt trong tương lai không xa.

 

Tranh giành thị phần

Từ khi CPF dừng bán tôm giống tại thị trường mở ở Trung Quốc vào năm 2017, xuất khẩu của SIS và Kona Bay chậm dần, thì các nguồn cung khác lập tức nhảy vào chỗ trống. Chỉ trong vòng vài năm, API dẫn đầu thị trường Trung Quốc với 45% thị phần, sau đó là SyAqua và Top Aquaculture Technology. Thị trường tôm giống Trung Quốc năm 2021 được dự báo cạnh tranh gay gắt, khi hầu hết các hãng cung cấp đều lên kế hoạch mở rộng. Robins McIntosh từ công ty CPF cho biết, CPF đã quyết định quay lại thị trường mở của Trung Quốc và đặt mục tiêu 50% thị phần vào năm 2023. Khởi đầu của CPF sẽ là 100.000 tôm giống trong năm nay. Để giành lại thị phần, CPF đặc biệt thúc đẩy “Kong”, một dòng tôm giống SPF có khả năng thích nghi cao trước môi trường dịch bệnh.

Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ tôm giống lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, về ngắn hạn, thị trường của dòng sản phẩm tôm khỏe vẫn là phân khúc lớn nhất. Nói về sự cạnh tranh gia tăng tại thị trường Trung Quốc, Pearl cho biết, rất nhiều đối thủ của API đang tung ra thị trường những dòng tôm mới, giống như API tập trung vào các tính trạng khỏe mạnh và tỷ lệ sống.

SIS và Kona Bay đang thống trị thị trường tôm giống Ấn Độ. Cạnh tranh tại Ấn Độ cũng dần tăng cao trong năm 2021. Năm ngoái, SyAqua xuất khẩu lô hàng đầu tiên đến Ấn Độ vào tháng 5 và tháng 10 và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2021. Ngoài API và SyAqua, CPF cũng tham gia thị trường Ấn Độ. Hiện, chính quyền Ấn Độ cấm CPF Ấn Độ nhập khẩu tôm bố mẹ từ Thái Lan. Do đó, CPF Ấn Độ vẫn đang phụ thuộc vào Kona Bay. Sắp tới, Homegrown Shrimp của CPF tại Mỹ sẽ được phép xuất khẩu sang Ấn Độ, cạnh tranh trực tiếp với Kona Bay.

Với quy mô 100.000 con, thị trường tôm giống nhập khẩu tại Indonesia tương đối nhỏ. SIS và Kona Bay đang dẫn đầu, sau đó là SyAqua. SIS nhiều năm liền là nhà cung cấp độc quyền cho CP Prima (CPP) – trại giống tôm lớn nhất Indonesia. Quy mô là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch cạnh tranh để giành thị phần tại Indonesia. McIntosh cho biết, CPF sẽ bán tôm bố mẹ sang Indonesia từ cơ sở Homegrown Shrimp tại Mỹ. CPF dự kiến cung cấp 200.000 tôm giống cho Indonesia vào năm 2022. Theo Pearl, API đã xuất khẩu gần 10.000 tôm bố mẹ tới Indonesia vào năm 2020 và đối tác của công ty đã đặt hàng tiếp cho vụ nuôi 2021. Kona Bay vẫn giữ vững thị phần tại Indonesia. Tháng 10/2020, công ty đã thành lập PT Kona Bay Indonesia, liên doanh với JAPFA để nâng sản lượng lên 100.000 tôm bố mẹ hàng năm. Kona Bay cung đang chờ chứng nhận cuối cùng cho cơ sở ở Malaysia để tăng công suất thêm  50.000 tôm giống hàng năm.

> Kona Bay cũng lên kế hoạch mở rộng cơ sở ở Trung Quốc. Với sản phẩm “Strength”, Kona Bay đặt mục tiêu cạnh tranh với API và các hãng khác thuộc phân khúc tôm khỏe tại Trung Quốc. SyAqua cũng đặt mục tiêu giữ vững thị phần tại Trung Quốc trong năm nay các các năm tiếp theo nhờ dòng sản phẩm “Balanced”. Với chiến lược khác API, SyAqua chú trọng sản phẩm tôm khỏe hơn cân bằng tăng trưởng và khả năng thích nghi môi trường. Sản phẩm này của SyAqua được nhắm vào các phân khúc thị trường khác API.

Ðan Linh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!