Thị trường tôm Mỹ sau thuế CVD: Mất dần vị thế hàng đầu

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau quyết định áp thuế chống trợ cấp (CVD) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) với tôm nước ấm đông lạnh từ một số quốc gia, nhiều chuyên gia lo ngại, về lâu dài thuế CVD sẽ làm mất dần vị thế hàng đầu của thị trường Mỹ, bởi các nhà xuất khẩu tôm sẽ chuyển hướng sang thị trường khác.

Thiếu nguồn cung và giá tăng cao

Ngày 12/8/2013, DOC công bố mức thuế CVD đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước cung cấp tôm lớn nhất vào Mỹ. Theo đó mức thuế áp cho Việt Nam là 4,52%, thấp hơn so với mức 5,85% của Ấn Độ; 8,16% của Trung Quốc; 54,5% của Malaysia và 11,68% của Ecuador. Riêng Thái Lan và Indonesia được DOC đưa ra khỏi danh sách chịu thuế CVD (thuế 0%).

Thống kê của FAO (năm 2011) cho thấy, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam là 7 cường quốc sản xuất tôm nuôi trên thế giới, với sản lượng chiếm tới 88% tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu. Đây cũng là 7 nước đứng đầu cung cấp tôm cho thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Nguồn cung tôm từ 7 nước cho Mỹ chiếm hơn 80% tổng nhập khẩu tôm của thị trường này.

Những nhà cung cấp tôm đông lạnh hàng đầu cho Mỹ (690.924 tấn năm 2012)

Như vậy, khi Thái Lan và Indonesia (nước cung cấp tôm lớn thứ nhất và thứ ba) cho Mỹ không phải chịu thuế CVD thì sẽ chỉ có 40% nguồn cung tôm cho Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế này, theo tính toán của DOC. Tuy nhiên, trên thực tế, mức thuế CVD này chắc chắn vẫn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung tôm cho Mỹ và giá tôm sẽ tăng nhanh hơn nữa trong thời gian tới, dù đã liên tục tăng trong thời gian qua, bởi hiện nay nhiều nhà xuất khẩu tôm đã và đang chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường ít rào cản hơn. Chẳng hạn như Ecuador, sau thuế CVD, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của nước này đang muốn ngừng xuất khẩu sang Mỹ.

Trái với những nước bị áp thuế CVD, một số nước không là đối tượng chịu thuế loại thuế này như Philippines, Bangladesh lại tỏ ra vui mừng xây dựng chương trình để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ. Tuy nhiên, nguồn cung tôm của Philippines hay Bangladesh chỉ chiếm thị phần chưa tới 1% trong tổng nguồn cung tôm cho Mỹ nên khả năng bù đắp lượng tôm thiếu hụt từ hai nước này là không đáng kể.

 

Không còn là điểm đến hấp dẫn

Kinh tế phát triển, dân số đông và thị hiếu ưa chuộng tôm là những yếu tố then chốt khiến Mỹ trở thành thị trường mà hầu hết các nhà xuất khẩu tôm đều muốn đặt chân tới. Không có gì phải nghi ngờ khi nói Mỹ là thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới. Song, thị trường Mỹ tuy mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà xuất khẩu nhưng cũng đầy những rào cản và cạnh tranh khốc liệt. Những vụ kiện chống bán phá giá thường xuyên diễn ra và gần đây nhất CVD là ví dụ điển hình.

Theo đó, nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản của Mỹ lo ngại, mặc dù thuế CVD có thể gây khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm nhưng thị trường Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít. Bởi khi nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc đang tăng mạnh như hiện nay thì người bán có không ít cơ hội thâm nhập các thị trường có nhiều thuận lợi và ít rào cản hơn Mỹ.

Sau CVD, nhiều doanh nghiệp sẽ e ngại xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ – Ảnh: Anh Vũ

Hơn nữa, về lâu dài, tác động lớn nhất của CVD không phải là việc ép buộc các nước, các công ty xuất khẩu sang Mỹ phải trả thuế cao hơn, mà ngược lại, nó có thể làm mất dần vai trò hàng đầu của thị trường Mỹ trên trường quốc tế. Do đó Trung Quốc, Trung Đông và thậm chí EU sẽ trở thành những thị trường hấp dẫn hơn và chiếm thị phần lớn hơn trong tổng sản lượng toàn cầu.

Phó Chủ tịch Công ty nhập khẩu thủy sản Censea, Jeff Stern nhận định, thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng khiến Mỹ không còn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu tôm nữa, và kết quả là người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

“Chúng tôi rất lo ngại về nhu cầu tiêu thụ tôm ngày càng tăng tại châu Á, nhất là Trung Quốc, khiến chúng tôi gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn cung. Kinh tế phát triển, các nước sẽ tiêu thụ nhiều thủy sản hơn và các nhà xuất khẩu cũng thu được lợi nhuận không kém tại Mỹ. Nhu cầu bên ngoài tăng sẽ khiến xuất khẩu vào Mỹ sụt giảm, đẩy giá thành sản phẩm tăng vọt”, Jeff Stern chia sẻ.

>> Tom Mazzetta, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mazzetta Co – một trong những nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Mỹ: Tôm khai thác và tôm nuôi là hai sản phẩm khác nhau. Tôm khai thác không thể cạnh tranh về giá, sản lượng cũng như sự ổn định nguồn cung với tôm nuôi. Chìa khóa thành công của ngành khai thác tôm Mỹ là nỗ lực phát triển, quảng bá sản phẩm, thay vì chạy đua về giá và chê trách các nhà sản xuất tôm nuôi.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!