T3, 04/01/2022 09:43

Thị trường tôm toàn cầu: Bức tranh sáng năm 2021

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với sản lượng toàn cầu năm 2021 tăng 8,9% so năm 2020, cùng mức dự báo tăng trưởng trên 5% cho năm 2022 được coi là bức tranh toàn cảnh đầy tích cực của thị trường tôm thế giới trong năm qua.

Cú hích từ Nam Mỹ

Theo khảo sát sản xuất và dự báo ngành tôm nuôi toàn cầu của GAA 2021, mức tăng trưởng của ngành tôm toàn cầu trong năm 2021 lên tới 10% nhờ những cú hích mạnh mẽ từ Ecuador sau năm 2020 bị kìm hãm bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của ngành tôm thế giới về cơ bản vẫn cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 4% trong thập kỷ kết thúc vào năm 2020.

Theo chuyên gia phân tích thủy sản Gorjan Nikolik của Rabobank, đây là một mức tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch. Ngành tôm toàn cầu đã lần lượt vượt qua các khó khăn trong năm qua. Trước tiên là vấn đề dai dẳng như thiếu lao động trong các nhà máy chế biến cùng nhiều rào cản chồng chất về logistics do nhiều quốc gia siết chặt kiểm dịch COVID-19. Tiếp đến là những khó khăn do thời tiết khắc nghiệt. Điển hình các cơn bão diễn ra chồng chất tại Ấn Độ vào tháng 5/2021 đã phá hủy nhiều trại nuôi tôm, gây thiệt hại nặng nề. Và một khó khăn dai dẳng từ năm 2020 là chi phí thức ăn tăng vọt cũng như nhiều nơi thiếu hụt tôm bố mẹ nghiêm trọng.

Trong năm 2021, Ecuador đã thay thế Ấn Độ và trở thành nước dẫn đầu xuất khẩu tôm trên toàn thế giới về khối lượng (1,2 triệu tấn) cùng giá trị. Dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng Ấn Độ sẽ sớm phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023. Năm 2021 được đánh giá là một năm đại thắng của ngành tôm Nam Mỹ. Ngoài Ecuador, Brazil cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 23,8%. Tại châu Á, ngành tôm Thái Lan cũng tăng trưởng tích cực 12,8%. Tuy nhiên, áp lực giảm giá do dư thừa nguồn cung, sự quay trở lại của đại dịch vẫn là những mối đe dọa lớn với ngành tôm thế giới trong năm tới.

2021 được coi là một năm đại thắng của ngành tôm Nam Mỹ. Ảnh: Sakchai Lalit

Thương mại quốc tế ổn định

Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng mạnh từ thị trường Mỹ và châu Âu đã giúp giá bán tôm trên thị trường quốc tế ổn định suốt cả năm 2021. Nguồn cung tôm nguyên liệu tại châu Á đã không thể đoán trước trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 9/2021. Tại Ấn Độ, sản lượng đủ cho chế biến xuất khẩu, mặc dù trước đó đã có báo về sự xuất hiện dịch bệnh ở một số khu vực. Nguồn cung tôm của Indonesia vẫn duy trì ở mức trung bình. Tại Việt Nam, hoạt động nuôi tôm và xuất khẩu vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Sản lượng tôm của Thái Lan cũng giảm mạnh nên nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh để chế biến xuất khẩu đã tăng 165%. Trái lại, sản lượng tôm nuôi của các nước Nam Mỹ, trong đó có Ecuador vẫn ổn định và xuất khẩu ngày càng tăng nhờ chuyển hướng kịp thời sang thị trường Mỹ và châu Âu để thay thế Trung Quốc.

Tuy nhiên, thiếu container xuất khẩu vẫn là thách thức lớn với nền kinh tế toàn cầu, không riêng ngành tôm. Từ đầu năm 2021, chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến Bắc Mỹ đã tăng 500 – 700% do khan hiếm container lạnh. Để đáp ứng nhu cầu cuối năm, các hãng xuất khẩu buộc phải trả cước vận tải lên đến 25.000 USD/container hoặc thậm chí cao hơn để có chỗ trên tàu vận chuyển. Dù vậy, thương mại tôm quốc tế vẫn ổn định với lượng nhập khẩu tăng, đặc biệt ở các thị trường phương Tây.

Nhu cầu tiêu thụ ổn định tại kênh bán lẻ và sự mở cửa trở lại của lĩnh vực dịch vụ ẩm thực tại Mỹ, châu Âu đã giúp thị trường tôm quốc tế tăng trưởng mạnh trong quý II và quý III/2021. Nhìn chung, nhập khẩu tôm đều tăng ở hầu hết các thị trường vừa và lớn, trừ Trung Quốc.

Nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Âu tăng mạnh trở lại từ tháng 4/2021 khi kênh dịch vụ ẩm thực bắt đầu mở cửa. Nhập khẩu tôm của EU trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao nhất 5 năm với 367.300 tấn, tăng 16%. Nhập khẩu tôm vào Nga cũng tăng 74%, tương ứng 41.690 tấn trong nửa đầu năm 2021. Tại Ukraine, nhập khẩu tăng 97% với gần 10.000 tấn so với 4.800 tấn một năm trước.

Mỹ – thị trường tôm lớn nhất thế giới nhất vẫn phát triển mạnh cả năm 2021. Kênh bán lẻ duy trì hoạt động tốt suốt mùa dịch cộng với sự mở cửa trở lại kênh dịch vụ thực phẩm đã thúc đẩy nhập khẩu tôm tăng vọt từ tháng 4 đến tháng 8. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường này nhập khẩu thêm 100.000 tấn tôm so cùng kỳ năm trước để đảm bảo đủ nguồn cung cho chuỗi phân phối, nâng tổng khối lượng tôm nhập khẩu lên 404.360 tấn, trị giá 3,4 tỷ USD. Tôm lột vỏ, tôm thịt chín, tôm tẩm bột, tôm chế biến và tôm cỡ nhỏ ăn liền khác là những mặt hàng bán chạy nhất tại phân khúc bán lẻ.

TTCT từ Mỹ Latinh và châu Á vẫn tiếp tục thống trị thị trường Mỹ. Ngoài ra, kênh dịch vụ ẩm thực cũng “hút” một lượng lớn tôm sú từ Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam đều tăng trưởng 2 con số, ấn tượng nhất là Ecuador với tăng trưởng 86% tại Mỹ.

Tạo đà tăng trưởng 2022

Giá tôm tại trại nuôi duy trì ổn định đến tháng 7/2021 tại các nước sản xuất tôm và bắt đầu tăng từ tháng 8 khi nguồn cung nguyên liệu thấp. Cuối năm, giá tôm nguyên liệu tăng vọt tại một số nước châu Á. Cùng đó, ngành tôm Ấn Độ cuối năm cũng đón nhận tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch, đồng thời chuyển sang chiến lược chế biến tôm giá trị gia tăng. Tại Ecuador, giá tôm đã chạm mốc 6 USD/kg – mức cao kỷ lục từ tháng 12/2018 cùng nhu cầu tiêu thụ mạnh từ thị trường Mỹ và châu Âu. Đây là những bàn đạp quan trọng nhất để thị trường tôm toàn cầu tiếp tục diễn biến lạc quan trong năm 2022.

Sản lượng tôm vào cuối năm của Indonesia tương đối tốt. Tuy nhiên các nước châu Á còn lại, từ cuối năm 2021 đến tháng 3 năm sau sẽ có nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu do chưa đến vụ thu hoạch. Đây sẽ là thời điểm tôm Mỹ Latinh chớp cơ hội thị trường.

Tuy nhiên, chi phí vận tải vẫn là trở ngại lớn và có thể đẩy giá tôm xuất khẩu tăng thêm ít nhất 1 USD/kg khi vận chuyển từ châu Á đến Bắc Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, những sự cố gây gián đoạn chuỗi logistics như tắc nghẽn tại cảng biển, thiếu hụt lái xe tải tại một số nước châu Âu và Mỹ cũng là những nguy cơ đẩy giá tôm lên cao. Nhiều chuyên gia dự báo, giá vận tải tiếp tục duy trì ở mức cao đến giữa năm 2022.

Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ tôm nói chung vẫn tăng mạnh tại hầu hết các thị trường suốt mùa lễ hội cuối 2021. Tại châu Á, lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sẽ là cơ hội để các hãng tôm duy trì tiêu thụ tốt đến tháng 2/2022, tạo đà cho thị trường tôm đi lên vào các tháng tiếp theo.

Vũ Đức

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!