(TSVN) – Kinh tế toàn cầu ảm đạm và nguồn cung tăng sẽ kéo theo áp lực giảm giá cá hồi và tôm trên thị trường toàn cầu nửa cuối năm nay.
Theo chuyên gia phân tích ngành thủy sản Gorjan Nikolik của Rabobank, lợi nhuận của người nuôi cá hồi nửa cuối năm nay sẽ thấp hơn so với nửa đầu năm, trong khi đó áp lực giảm giá ngày càng đè nặng lên ngành tôm. Bóng đen suy thoái đang bao phủ nền kinh tế toàn cầu và làm gia tăng áp lực giảm giá lên 2 mặt hàng thủy sản chủ lực. Tháng 7 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,4% cho năm 2022, giảm 0,4% so mức dự báo hồi tháng 4/2022. Nhiều chuyên gia dự báo, giá tôm sẽ chạm đáy vào nửa cuối năm nay, nhưng sau đó sẽ phục hồi khi nông dân có chiến lược điều chỉnh và thích nghi.
Mỹ, một trong những thị trường tôm quan trọng nhất thế giới dường như đang hạ nhiệt và bắt đầu bão hoà. Trong khi đó, châu Âu – thị trường tiêu thụ cá hồi lớn nhất thế giới qua kênh bán lẻ cũng có thể diễn biến tương tự Mỹ sau vài tháng nữa. Ông Gorjan Nikolik dự báo giá cá hồi tại châu Âu đang dần hạ nhiệt và sẽ giảm vào nửa cuối năm nay khi nguồn cung tăng lên.
Lợi nhuận của người nuôi cá hồi nửa cuối năm nay sẽ thấp hơn so với nửa đầu năm, trong khi áp lực giảm giá ngày càng đè nặng lên ngành tôm. Ảnh: Andrei Lakhniuk
Tại diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây Dương vào tháng 6 vừa qua, nhiều chuyên gia trong đó có ông Gorjan Nikolik đã cảnh báo về những hệ lụy khi nguồn cung tôm toàn cầu tăng vọt thêm 1 triệu tấn trong 3 năm đến cuối năm 2022. Ông cho biết nếu sản lượng tôm của Ecuador tăng lên 1,35 triệu tấn vào năm nay, tương đương mức tăng 35%, có nghĩa nguồn cung tôm cho toàn thế giới sẽ tăng thêm 350.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tôm cho cả nước Nhật và một nửa mức tiêu thụ của thị trường châu Âu. Trong khi đó, sản lượng tôm của Việt Nam và Indonesia cũng đạt tăng trưởng hai con số trong nửa đầu năm 2022.
Dự kiến, sản lượng tôm của Ecuador còn tiếp tục tăng. Trước đại dịch, quốc gia Nam Mỹ này chủ yếu sản xuất và xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong khi Indonesia và Ấn Độ lại tập trung vào thị trường Mỹ, còn Việt Nam chú trọng 3 thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn dòng chảy thương mại của sản phẩm tôm. Mà điển hình là sự chuyển hướng của Ecuador từ thị trường Trung Quốc vào năm 2020 sang thị trường Mỹ và châu Âu. Do đó, nếu Ecuador tiếp tục tăng nguồn cung, thì chắc chắn các hãng tôm châu Á và Ấn Độ sẽ phải chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm của mình và tình hình sẽ càng khó khăn hơn khi kinh tế suy thoái, sức mua của người tiêu dùng yếu dần.
Trong khi đó, nguồn cung cá hồi toàn cầu cũng dự kiến tăng 6% vào nửa cuối năm nay sau khi giảm 6% trong nửa đầu năm. Tình trạng thiếu nguồn cung cá hồi từng diễn ra khắp thị trường toàn cầu nửa đầu năm. Đây là lý do cá hồi chạm mức giá cao kỷ lục trong suốt thời điểm này. Tuy nhiên, khi các trang trại cá hồi Na Uy bước vào vụ thu hoach, nguồn cung phục hồi và tăng dần đã kéo giá cá hồi đi xuống. Dù vậy, thị trường cá hồi vẫn đang sôi động nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh từ kênh bán lẻ, đặc biệt tại thị trường châu Âu.
Theo ông Nikolik, lượng tiêu thụ cá hồi và tôm đã tăng trong suốt giai đoạn COVID-19, sau đó là sự phục hồi nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Trong khi nhiều ngành hàng lao đao vì đại dịch, thì nhu cầu tiêu thụ tôm và cá hồi lại tăng cao chưa từng có, mặc dù giá bán thấp hơn. Các kênh bán lẻ hoạt động sôi động hơn trước đại dịch do sự suy yếu của kênh dịch vụ ẩm thực. Hậu COVID-19, kênh dịch vụ ẩm thực phục hồi trở lại, nhưng doanh số bán lẻ vẫn tăng vọt. Năm 2021, sản lượng cá hồi của Na Uy đã tăng 12% trong khi sản lượng tôm toàn cầu tăng gần 17%, theo Rabobank.
Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu tăng nhập khẩu tôm từ Ecuador sau thời gian dài gián đoạn vì COVID-19. Tại châu Âu, nhu cầu tiêu thụ cá hồi vẫn duy trì ở mức cao dù giá cá bắt đầu tăng trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, giá tôm lần đầu tiên giảm do nguồn cung không ngừng tăng suốt nửa đầu năm. Đà tăng nguồn cung cũng là nguyên nhân làm gia tăng áp lực lên giá bán tôm trong nửa cuối năm nay. Các vụ thu hoạch tôm tháng 8, 9 sắp diễn ra, mà phần lớn vụ nuôi đã được tiến hành trong tháng 4 và 5. Do đó, nửa cuối năm nay, thị trường toàn cầu sẽ phải tiếp nhận thêm một lượng lớn nguồn cung tôm. Nhiều áp lực xuất hiện khi lạm phát leo thang và bào mòn lợi nhuận của người sản xuất, đặc biệt tại châu Á. Ông Nikolik dự báo, người nuôi tôm châu Á sẽ khó đẩy gánh nặng chi phí sang tay người tiêu dùng ngay lúc này, mà phải chấp nhận giá bán thấp hơn chi phí sản xuất, kéo theo tình trạng nông dân thu hẹp diện tích nuôi tôm.
Ngược lại, người nuôi cá hồi lại nhanh nhạy phân bổ gánh nặng chi phí lên giá bán thành phẩm bởi họ nắm rõ được mức giá thức ăn cũng như diễn biến giá mặt hàng này suốt thời gian qua. Do đó, ngay cả khi giá thức ăn tăng và giá cá hồi đi xuống, thì người nuôi cá tại một số nước châu Âu vẫn có lãi. Ông Nikolik cho rằng, lợi nhuận của người nuôi cá hồi trong nửa cuối năm nay có thể thấp hơn so đầu năm, nhưng không lỗ. Tuy nhiên, nếu nói về tính chất hấp dẫn toàn cầu, thì cá hồi vẫn đứng sau tôm. Nếu không có biến cố bất thường, thị trường tôm sẽ diễn biến theo đúng quy luật cung tăng – giá giảm, và sau đó cung giảm – giá tăng.
Vũ Đức
Theo Undercurrent News