Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 5-2012 toàn tỉnh có 10.532 tàu, thuyền đăng ký hoạt động (trong đó tàu, thuyền có công suất dưới 20CV là 7.939 chiếc, chiếm hơn 70%), còn 585 tàu, thuyền chưa đăng ký và Quảng Ninh là tỉnh có số lượng tàu thuyền hoạt động lớn thứ 2 cả nước (sau Kiên Giang). Số lượng tàu, thuyền này ngày càng tăng, khi khai thác biển vẫn là nghề mưu sinh chính của phần lớn ngư dân vùng ven biển và bên cạnh sự phát triển mạnh về số lượng tàu, thuyền thì kh
Thiếu khu tránh, trú bão cho tàu thuyền
Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các tàu, thuyền khi được thông tin có bão đều tự tìm cho mình điểm tránh, trú riêng (thường neo đậu tại các bờ kè, bờ đê chắn sóng). Nhiều ngư dân ở một số địa phương như Quảng Yên, Hải Hà… thường tự tìm cho mình những giải pháp an toàn khi mưa bão về, đó là sử dụng công cụ vận chuyển thô sơ là những xe goòng để chở thuyền dưới 3 tấn vượt đê tránh bão, hoặc tự đánh chìm thuyền của mình. Cách làm này cho thấy tuy có an toàn nhưng chi phí vận chuyển thuyền vào, ra đê và cả công trục vớt… xem ra khá tốn kém. Số tàu, thuyền còn lại thì trông chờ vào may rủi. Bất tiện và nguy hiểm là đặc điểm chung cho tất cả những bến thuyền phát sinh như vậy. Để rồi, mỗi khi cơn bão qua đi và hậu quả để lại là tài sản, phương tiện sinh sống của ngư dân bị hư hỏng. Không ít người đã phải xót xa, lo lắng khi không còn phương tiện để mưu sinh… Điển hình như cơn bão số 5 đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 20-8-2011 đã làm 10 tàu, thuyền, 1 sà lan bị chìm và hư hỏng nặng; 33 chiếc bè, mảng nuôi thuỷ sản bị vỡ. Lực lượng cứu nạn tại vùng biển huyện Cô Tô đã cứu nạn thành công 2 tàu và 6 ngư dân… Đó chỉ là con số thống kê sơ bộ của một cơn bão đổ bộ vào tỉnh ta, tuy chưa phải là cơn bão gây ảnh hưởng nặng nề nhất từ trước tới nay, nhưng những thiệt hại do không có điểm neo đậu an toàn cho tàu, thuyền này là không nhỏ.
Bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh, giai đoạn 1 Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền nghề cá tại xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên đã hoàn thành.
Theo định hướng của Chính phủ thì đến năm 2020, 50% thu nhập của Việt Nam là thu nhập về biển, trong đó vùng duyên hải Bắc Bộ sẽ trở thành một trong những trung tâm chính. Như vậy, trong những năm tới, số lượng phương tiện thuỷ chắc chắn sẽ tăng lên. Và để kinh tế biển trở thành mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế – xã hội, có lẽ, việc đảm bảo an toàn cho những phương tiện thuỷ phải là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Cần đẩy nhanh tiến độ các khu tránh, trú bão cho tàu thuyền
Theo Quyết định 288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (âu thuyền) đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Quảng Ninh có 6 điểm tránh, trú bão tập trung (khu neo đậu tránh, trú bão Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô và Hạ Long) với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Riêng TX Quảng Yên, với 3.873 tàu thuyền đăng ký hoạt động, nhiều nhất trong tỉnh và chủ yếu là tàu, thuyền dưới 20CV. Do vậy, UBND tỉnh đã đầu tư bằng ngân sách tỉnh bổ sung thêm một vị trí neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá tại xã Hoàng Tân theo Quyết định 486/QĐ-UBND ngày 26-2-2009 với tổng mức đầu tư trên 34 tỷ đồng. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án xây dựng khu tránh, trú đã hoàn thành, hiện giai đoạn 2 của dự án đang được tích cực triển khai nạo vét luồng vào khu tránh trú dự kiến sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão 2012.
Các dự án còn lại đã và đang được triển khai thi công, riêng dự án xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão tại TP Hạ Long hiện chưa có kinh phí để triển khai và huyện Vân Đồn vẫn chưa triển khai được do chuyển đổi quy hoạch vùng. Với quy mô khác nhau, sau khi các dự án được hoàn thành sẽ là điều kiện cần thiết đảm bảo cho hơn 3.000 tàu cá có công suất đến 600CV neo đậu an toàn khi có mưa bão. Trong đó, khu tránh, trú bão Cô Tô thuộc dự án cấp vùng Vịnh Bắc Bộ.
Có thể coi đây là tín hiệu vui cho ngư dân Quảng Ninh, giải quyết được phần nào nỗi lo và hạn chế được thiệt hại do mưa bão. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án này được triển khai khá chậm, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Ngân sách tỉnh thì hạn hẹp, còn nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước chưa được cấp kịp thời. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí đầu tư xây dựng các khu tránh bão ở địa phương lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay Nhà nước mới hỗ trợ được 108,7 tỷ đồng. Riêng năm 2012, được cấp có 15 tỷ đồng cho khu neo đậu tránh trú bão của huyện Cô Tô và huyện Hải Hà. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số gói thầu chưa triển khai được theo kế hoạch đấu thầu. Nếu được ứng vốn, tỉnh sẽ có điều kiện nhanh chóng xây dựng các khu neo đậu an toàn cho tàu, thuyền tránh trú bão.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, hiểm hoạ do thiên tai ngày càng khó lường thì việc đẩy nhanh xây dựng các khu neo đậu cho tàu thuyền tránh, trú bão là giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu tác hại của mưa bão đối với tính mạng, phương tiện của ngư dân hoạt động trên biển.
Đỗ Phương
Theo Báo Quảng Ninh