T2, 06/07/2020 11:45

Thiếu hậu cần, ngư dân mãi lận đận!

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, tránh cho họ bị mất tiền oan với các đầu nậu, việc sớm xây dựng các hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn rất chậm.

Thua thiệt đủ đường

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, huyện đảo này hiện có 415 tàu cá, sản lượng khai thác luôn đạt trên 30.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hầu hết ngư dân ở đây đều chỉ có thể tìm đến các cảng cá ngoài huyện để tiêu thụ, vì Lý Sơn chưa có cơ sở thu mua, chế biến hải sản nào. Vì thế, bình quân 15 tấn hải sản, ngư dân bị “trừ hao” 5 tấn; có thương lái, 20 kg chỉ tính cho 10. Từ đó, thu nhập của ngư dân giảm còn 3 – 4 triệu đồng/tháng (trước đây 4 – 5 triệu đồng/tháng), nhiều ngư dân còn bị chủ nậu tịch thu tàu vì giá trị khai thác không đáp ứng yêu cầu, đời sống càng khó khăn hơn.

Ông Lê Tân (56 tuổi) ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, chủ tàu cá công suất 450 CV cho biết, tàu ông phải nằm bờ dù mới đóng hơn 2 năm và ra khơi hơn chục chuyến. Khi đóng mới tàu, ông vay của chủ nậu tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) 800 triệu đồng, vay hàng xóm 600 triệu đồng nữa. Tàu mới trị giá 1,4 tỷ đồng. Ra khơi mấy chuyến đầu hòa vốn nên không có tiền trả nợ. Bi đát hơn khi đầu tháng 1/2015, tàu đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, lấy hết tài sản, ngư cụ, thiết bị… Thế là nằm bờ đến nay. Chủ nợ đã đánh tiếng thu hồi. 

Mô hình hợp tác xã hậu cần nghề cá sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngư dân – Ảnh: Huy Hùng

Nguyên nhân của thực trạng này là do Lý Sơn chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá, chưa có doanh nghiệp nào uy tín đứng ra mua hải sản cho ngư dân. Đại diện UBND huyện Lý Sơn cho biết, HTX dịch vụ hậu cần nghề cá đã được thành lập từ năm 2014 nhưng đến nay chưa thể hoạt động. Trụ sở HTX, khu chế biến, trạm xăng dầu…, tất cả các hạng mục công trình này cần khoảng 16.000 m2 đất, nhưng đến nay, địa phương vẫn “chưa tìm được vị trí thích hợp”.

 

Cấp bách

Từ năm 2007 đến nay, huyện Lý Sơn có 32 tàu bị chìm, 38 tàu hỏng do bão, 3 tàu bị tàu lạ đâm chìm, 82 tàu bị nước ngoài bắt. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã 22 tàu cá Lý Sơn khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị phía Trung Quốc ngăn cản, phá tài sản, không cho hành nghề; thiệt hại tài sản hơn 3,1 tỷ đồng. Xác định kinh kế biển là mũi nhọn nhưng đến nay Lý Sơn mới chỉ tập trung vào khai thác, đánh bắt chứ chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá; vì thế, khi đánh bắt xong, ngư dân không chỉ tốn thêm chi phí nhiên liệu để vào đất liền bán hải sản, mà còn chịu thiệt vì bị ép giá. Việc tìm đầu nậu để xoay đủ chi phí vươn khơi và vay vốn chủ nậu để đóng mới tàu… là nguyên nhân chính khiến ngư dân  huyện này thua thiệt đủ đường.

Ông Chinh cho hay: Ngư dân rất bức xúc nhưng không biết than với ai. Việt thành lập các HTX hậu cần nghề cá để cung ứng nhiên liệu, đảm bảo đầu ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường là điều ngư dân mong muốn.

>> Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đã được triển khai gần 1 năm, nhưng tại Lý Sơn hiện chưa có tàu nào được hưởng ưu đãi này. Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, mọi thủ tục đã hoàn thành, địa phương cũng đã phê duyệt tàu cho ngư dân nhưng các ngân hàng thương mại chưa giải ngân; ngư dân vì thế chưa có nguồn vốn để đóng tàu lớn vươn khơi.

Hương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!