Cứ vào tháng 5, 6 hằng năm là các tỉnh ĐBSCL rơi vào tình trạng khan hiếm nghêu giống mà nguyên nhân là do khai thác quá mức lượng nghêu ngoài tự nhiên thay vì tìm cách bảo tồn cho năm sau.
Chiều ngày 7-6 tiến sĩ Trần Thị Dung, Viện kinh tế và quy hoạch thủy sản cho biết, Bến Tre, Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích nuôi nghêu lớn của ĐBSCL nhưng hằng năm Tiền Giang thường xảy ra tình trạng khan hiếm nghêu giống hơn so với Bến Tre.
Nguyên nhân là nghêu ở Bến Tre đã được Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (Marine Stewardship Council – MSC) cấp Chứng nhận MSC vào ngày 9-11-2009 nên hai năm nay tỉnh này không rơi vào cảnh khan hiếm nghêu giống.
“Một trong những quy định đưa ra trong chứng nhận MSC là các tổ hợp tác chỉ được khai thác 80% sản lượng nghêu ngoài tự nhiên, còn lại 20% để làm nguồn giống cho năm sau. Hiện Bến Tre làm được việc này còn Tiền Giang thì không”, bà Dung cho biết qua điện thoại.
Theo bà Dung, do các tỉnh ĐBSCL có nhiều bãi bồi tập trung một lượng lớn nghêu ngoài tự nhiên nên những tỉnh này chủ yếu khai thác nghêu giống từ nguồn. Còn các tỉnh như Thái Bình, Nam Định không có nguồn giống tự nhiên nên tập trung vào tự sản xuất con giống để cung cấp cho thị trường, vì thế, Thái Bình, Nam Định không xảy ra tình trạng khan hiếm nghêu giống như Tiền Giang.
Ngọc Hùng
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn