Những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tại tỉnh Kiên Giang luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.
Khu vực ĐBSCL được cho là vùng khai thác và xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, từ những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản khu vực này luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác.
Tại tỉnh Kiên Giang, mặc dù hằng năm tỉnh khai thác hơn 450.000 tấn thủy sản nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nguyên liệu, khiến các doanh nghiệp vừa phải cạnh tranh nhau về đầu ra sản phẩm, vừa phải cạnh tranh tìm nguồn nguyên liệu.
Công ty Cổ phần chế biển thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền là một trong những doanh nghiệp nhiều năm nay luôn dẫn đầu của tỉnh Kiên Giang về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay luôn gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu chế biến.
Nguồn nguyên liệu nuôi trồng là tôm thẻ chân trắng, tôm sú cũng bị hạn chế do thời tiết và ô nhiễm môi trường.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp này đã chủ động nhập nguồn nguyên liệu từ nơi khác để ổn định sản xuất. Ông Huỳnh Châu Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chế biển thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền cho biết: “Trong năm 2014, ngoài thị trường xuất khẩu khó khăn, tình hình nguyên liệu trong nước do sản lượng khai thác đánh bắt của ngư dân giảm sút rất nhiều nên giá thành đội lên. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản muốn có hàng hóa xuất khẩu phải có nguyên liệu mà muốn mua được nguyên liệu thì phải cạnh tranh do đó thị trường nguyên liệu trong nước ở tỉnh Kiên Giang cũng cạnh tranh rất lớn”.
Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 150 – 160 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhiều đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài nhưng không dễ thực hiện vì thiếu nguồn nguyên liệu và giá cả không ổn định.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp tại địa phương đã chủ động nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài để ổn định sản xuất; mức giá nhập khẩu luôn cao hơn 5-10% so với giá mua trong nước.
Ông Nguyễn Nam Vinh Công ty TNHH Huy Nam cho rằng: “Năm 2014 thiếu về chủng loại. Năm nay, chúng tôi sản xuất những mặt hàng nhiều hơn năm ngoái nhưng vẫn thiếu so với năng lực sản xuất của nhà máy và cơ cấu. Chúng tôi thiếu nguyên liệu nên chúng tôi phải nhập khẩu nước ngoài. Hiện tại, chúng tôi hoàn toàn sử dụng vốn của doanh nghiệp”.
Theo ngành thủy sản Kiên Giang, nguyên nhân của việc thiếu nguyên liệu là cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến không ổn định do ngư trường bị hạn chế, đặc biệt Kiên Giang chưa có tàu khai thác quốc tế.
Nguồn nguyên liệu nuôi trồng là tôm thẻ chân trắng, tôm sú cũng bị hạn chế do thời tiết và ô nhiễm môi trường. Năm nay, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi 56.000 tấn phục vụ tiêu thụ nội địa và cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Tới đây, Kiên Giang sẽ khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ và đầu tư hạ tầng đánh bắt để bà con yên tâm bám biển. Ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang nói về chủ trương của tỉnh: “Chúng tối cũng đã khuyến khích bà con tăng cường đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ. Chúng tôi cũng nâng cao năng lực trong vấn đề đầu tư hạ tầng để làm sao khuyến khích bà con yên tâm bám biển, khai thác được nhiều nguyên liệu”.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, của địa phương, Nhà nước cũng cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao là xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 – 6,7 tỷ USD vào năm 2015 và 8 tỷ vào năm 2020.