T2, 06/07/2020 09:49

Thiếu nguyên liệu thủy sản: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo Bộ NN&PTNN, quý 1 năm nay xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 1,1 tỉ USD, tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 5,3 tỷ USD hoặc hơn nữa nếu ngành thủy sản không phải đối diện tình trạng thiếu nguyên liệu. Một tình trạng được cho là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Thêm nhiều thị trường mới

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản, những thị trường mới đều có nhu cầu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc. Thêm vào đó, một số nước đã có lệnh tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Nhật vì lo sợ thủy sản nước này nhiễm phóng xạ từ sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Thái Lan, nước xuất khẩu tôm lớn của thế giới vừa bị mất một lượng tôm khá lớn do ảnh hưởng bởi lũ lụt đã tạo cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, hiện Trung Quốc đang chuyển hướng từ nước xuất khẩu thủy sản sang nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đang lên của người dân nước này. “Chính sách thương mại song phương giữa hai nước đang góp phần thúc đẩy thủy sản Việt Nam xuất nhiều hơn sang quốc gia láng giềng này”, ông Hòe nói.

 

Thiếu nguyên liệu – bài ca muôn thuở

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng, tại nhiều quốc gia, tình hình khan hiến đơn hàng thủy sản là rất nhiều. Đặc biệt, sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhật khiến nhiều quốc gia cấm nhập thủy sản từ nước này. Và theo quy luật kinh tế thì những nước cấm nhập thủy sản từ Nhật sẽ tìm kiếm nguồn thủy sản thay thế từ các nước khác. Đây là cơ hội cho ngành thủy sản nước ta mở rộng thị phần, song việc thiếu nguyên liệu diễn ra trong một thời gian dài đã phần nào đánh mất đi cơ hội đó.

Giá cá tra tăng cao khiến nhiều nhà máy giảm công suất chế biến         Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Đạo cho biết thêm, năm 2010 công ty Gò Đàng thu mua 25.000 tấn cá tra cho chế biến, nhưng hiện nay giá cá tra tăng cao, nên Công ty đã phải giảm công suất. Không những vậy, lãi suất ngân hàng đang ở mức cao và những chi phí đầu vào khác đều tăng nên không riêng gì Công ty Gò Đàng, nhiều công ty thủy sản khác cũng phải chọn giải pháp… giảm công suất chế biến.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Phan Xuân Trang, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Thái Bình Dương – LA (Long An) đánh giá, những diễn biến liên đới đến vụ động đất, sóng thần tại Nhật Bản là cơ hội tốt để ngành thủy sản nước ta xâm nhập các thị trường mới dễ dàng hơn. Nhưng đó là lý thuyết còn trên thực tế thì không phải như vậy. Hiện, các loại hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá thu… đang trong tình trạng thiếu trầm trọng. Vì ngoài chuyện giá xăng dầu tăng đẩy chi phí một chuyến đi biển tăng thêm 20% thì còn nguyên nhân khác do một số thương lái mua trực tiếp từ các tàu cá rồi bán cho các tàu cá Trung Quốc. “Thường thì giá mua của những thương lái này cao hơn vì không phải trả thuế xuất nhập khẩu thủy sản, thuế kinh doanh nên gây khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản trong nước. Vì vậy, Công ty Thái Bình Dương – LA chỉ hoạt động đến đâu hay đến đó chứ không lên kế hoạch mở rộng thị trường” – ông Trang chia sẻ.

Còn theo ông Đặng Kiết Tường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Aquatex) thì mọi việc không có gì khả quan trong cảnh thiếu nguyên liệu chế biến triền miên như hiện nay. Vì đơn giản không có nguồn nguyên liệu thì không thể nói đến chuyện mở rộng thị trường được.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng), tính đến ngày 13-4, giá tôm sú tại ĐBSCL ở ở mức trên 225.000 đồng/kg loại 20 con/kg, loại 30 con/kg là 190.000 đồng. “Với mức giá này, chỉ những công ty nào đến thời điểm giao hàng mới chấp nhận mua về chế biến để giữ uy tín. Còn với công ty chúng tôi chỉ mua và sản xuất cầm chừng và cũng cân nhắc trong việc ký tiếp các hợp đồng mới”, ông Anh cho biết.

>> Đợt lũ lụt vừa qua, Thái Lan mất khoảng 50.000 tấn tôm các loại. Việc này sẽ gây ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, qua đó, đẩy giá tôm nguyên liệu tăng cao, kéo theo giá bán cao và sức mua của các thị trường như Nhật, EU, Mỹ có thể sẽ giảm. Như vậy, nhiều công ty thủy sản của nước ta sẽ không bán được hàng, đồng nghĩa với việc chấp nhận giảm thị phần.

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!