Việt Nam đang là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư thế giới, nhưng doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản Việt Nam lại thường xuyên đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Nếu không giải tỏa được nghịch lý này thì thời gian tới sẽ thêm hàng loạt DN phá sản, mục tiêu xuất khẩu thủy sản khó đạt được.
Áp lực từ nhiều phía
Từ nhiều năm nay, thủy sản Việt Nam luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, nhất là thủy sản khai thác và tôm, cá tra nguyên liệu.
Nguyên nhân thiếu hụt nguyên liệu thủy sản được giải thích là do hiện có khoảng 30% số người nuôi cá tra và 60% số hộ nuôi tôm không muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư, vì hiệu suất sinh lời rất thấp, không đủ trả lãi vay. Đấy là chưa kể hội chứng EMS khiến tôm chết hàng loạt, gây thất thoát lớn cho người nuôi và DN xuất khẩu không có nguyên liệu.
Thiếu nguyên liệu chế biến khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp khó – Ảnh: Huy Hùng
Mặt khác, tình hình bất ổn trên Biển Đông gần đây đã phần nào hạn chế lượng tàu cá ra khơi khai thác thủy sản, cùng với việc thương nhân Trung Quốc tăng cường mua hàng thủy sản ngay ngoài biển cũng như tới tận các bến cá và cảng cá trên đất liền nước ta, mua với giá cao để tranh giành với DN Việt Nam, khiến nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác đã hạn chế lại càng gay gắt hơn. Nhiều DN than phiền, tìm mấy nhà nhập khẩu để xuất hàng còn dễ hơn kiếm được một bạn hàng cung cấp nguyên liệu.
Hơn nữa, năm nay tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu còn trầm trọng hơn, do ảnh hưởng thời tiết khí hậu khắc nghiệt cũng như dịch bệnh tôm xảy ra và lây lan trên diện rộng. Vì vậy, thời điểm này tuy đang chính vụ tôm nhưng nhiều nhà máy chế biến vẫn phải hoạt động cầm chừng.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Cà Mau, nhận định: Thực tế, khó khăn về thị trường xuất khẩu không trầm kha bằng căn bệnh thiếu nguyên liệu chế biến. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động 40% công suất.
Tìm giải pháp hợp lý
Nguyên liệu đầu vào là yếu tố sống còn đối với xuất khẩu thủy sản. Để chủ động sản xuất, vấn đề quan trọng là phải chủ động được nguồn nguyên liệu ngay từ đầu vào. Việc quy hoạch vùng nuôi gắn với diện tích thực từng vùng, dựa trên phân tích tiềm năng từng khu vực là rất cần thiết.
Để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu năm nay, nhiều công ty vừa tiến hành tìm kiếm thị trường nhập khẩu vừa giữ nguồn hàng và chủ động tìm kiếm nguyên liệu tại Indonesia, Ấn Độ… Về lâu dài, theo nhiều công ty xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau, cần gắn kết chặt chẽ với ngư dân, thành lập ở mỗi vùng nguyên liệu những nhà cung cấp bền vững làm đối tác chặt chẽ; doanh nghiệp phải chủ động cam kết bao tiêu, hỗ trợ giá cho người nuôi.
Đặc biệt, hiện nay vấn đề dịch bệnh trên tôm cần được giải quyết triệt để, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương tích cực tìm giải pháp điều trị bệnh cho tôm để đảm bảo chất lượng và số lượng nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi chờ đợi, các địa phương vẫn tự áp dụng phương pháp nuôi và kinh nghiệm phù hợp địa bàn mình. Ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, cho biết: “Viện đang gấp rút bàn luận cùng chuyên gia các nước, biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh tôm chết sớm hiện nay ở ĐBSCL. Bước đầu đã có một số biện pháp khắc phục. Những ngày tới, cán bộ Viện sẽ đến các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh…, cùng nông dân triển khai phòng chống dịch, đẩy mạnh nuôi tôm trở lại, đáp ứng đủ nguyên liệu chế biến”.
Mặt khác, do nguyên liệu trong nước thiếu trầm trọng, các DN buộc phải tìm cách nhập khẩu nguyên liệu để giải quyết đơn hàng. Tuy nhiên, DN nào cũng vật vã trước mức thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đang 12 – 18%. Với mức thuế này, DN bị treo nợ thuế với số tiền rất lớn cũng như thêm nhiều phiền toái từ thủ tục hải quan, nhất là thanh lý thuế và hoàn thuế.
Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên đưa mức thuế về 0% để cứu DN trong cơn nguy khốn; nếu không “nhẹ tay” thì mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2013 (4,5 tỷ USD) khó đạt, càng khó hy vọng 6,5 – 6,7 tỷ USD vào năm 2015 và 8 tỷ USD năm 2020.
>> PGS.TS Lê Xuân Sinh (Đại học Cần Thơ) cho biết: Tỷ lệ số hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL bị thua lỗ ngày càng tăng, năm 1993, chỉ 9,4%; những năm 2002 – 2005 là 25%, 2005 – 2009 là 30%, 2010 – 2012 gần 50%. Tỉnh Cà Mau có khoảng 30 DN chế biến thủy sản xuất khẩu và 34 nhà máy, thì 65% trong số đó đã “ngừng thở” hoặc đang “hấp hối”. |