Thời gian qua, ngư dân xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) luôn gặp khó khăn về sân phơi ruốc mỗi khi vào mùa vụ. Sau chuyến ra khơi, nhiều hộ không có sân phơi nên đành bán ruốc tươi với giá thấp. Nếu được đầu tư sân phơi thì lãi thu được sau 1 ngày khai thác sẽ tăng lên từ 2-3 triệu đồng.
Là xã đặc thù bãi ngang, bộ mặt Tân Thuận đang dần khởi sắc trước nguồn lợi thuỷ sản mang lại, đặc biệt là khai thác từ biển. Trong đó, đối tượng ruốc được người dân khai thác cho năng suất cao khi vào mùa vụ (từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 âm lịch hằng năm).
Trúng mùa ruốc
Nhiều năm làm nghề đánh bắt ruốc, ông Trương Thành Dũng, ấp Lưu Hoa Thanh, phấn khởi trước sản lượng thu được từ Tết đến nay. Ông Dũng cho biết: “Tất cả các anh em làm nghề te ruốc đều trúng cả, tôi cũng như các anh em đánh bắt 1 ngày trung bình từ 500 kg ruốc tươi trở lên. Nếu bán ruốc tươi giá dao động từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, bán ruốc khô từ 30.000 – 45.000 đồng/kg. Trung bình mỗi anh em thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí”.
Ngư dân Tân Thuận đau đầu vì thiếu sân phơi ruốc – Ảnh: Nguyễn Phú
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Võ Văn Sự cho biết, đa số những hộ tham gia khai thác thuỷ sản không có đất, chủ yếu đi làm thuê cho ghe đánh bắt xa bờ. Khi có ruốc, những hộ này tập trung khai thác chỉ dùng những phương tiện thô sơ như: ghe, xuồng đò, vỏ nhỏ, dùng lưới mành làm miệng đáy để đánh bắt… Ngoài ra, khi vào cao điểm, hàng trăm tàu, ghe te từ Khánh Hội, huyện U Minh có công suất lớn sang tận đây khai thác.
Cũng theo ông Sự, do trúng sản lượng nên thừa nguyên liệu, thiếu sân phơi, buộc ngư dân phải bán ruốc tươi nên bị chủ doanh nghiệp thu mua ép giá. Ngư dân cũng đành chấp nhận bán để tiếp tục khai thác cho ngày mới. Anh Nguyễn Duy Trung, chủ cơ sở sản xuất mắm ruốc Nguyễn Duy Hải, cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở thu mua từ 50 – 70 tấn ruốc tươi, cao điểm ngư dân trúng vụ mua trên 100 tấn ruốc tươi.
Cần đầu tư vốn để làm sân phơi
Trước nhu cầu chính đáng của người dân, ngày 4/4/2013, UBND xã Tân Thuận kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, Sở NN&PTNT khảo sát mặt bằng để đầu tư hỗ trợ vật tư tráng sân phơi ruốc trên địa bàn xã.
Cán bộ nông nghiệp, thuỷ sản, môi trường xã Tân Thuận Hồ Quang Thuỳ nhận định, thực tế nhu cầu sân phơi ruốc hiện nay còn nhiều, những hộ khai thác bằng phương tiện nhỏ cũng cho sản lượng cao và hầu như muốn bán ruốc khô để được giá, nâng cao thu nhập. Do không có mặt bằng, phải thuê sân bãi từ cảng thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu với giá cao.
Theo ông Trương Thành Dũng, hiện tại anh em đang phơi sân đất, khi gặp mưa rất khó khăn với sản lượng lớn khi vào con nước rong thì nước tràn bờ. Còn thuê sân bên cảng thì mỗi vỏ lãi 100 kg, giá 50.000 đồng, tiền thuê đò chở 100.000 đồng, tiền bốc vác 50.000 đồng, cộng với chi phí chuyển về để bán thì trung bình mỗi ngày anh em phải mất ít nhất 2 triệu đồng.
Ông Võ Văn Sự nhận định, do đặc điểm của vùng đất ven biển nên vào con nước thuỷ triều dâng cao, đa số sân đất mà người dân dùng để phơi ruốc đều bị ngập nước. Từ đó, qua khảo sát của Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, Sở NN&PTNT, xã đã kiến nghị đầu tư vốn để xây lấp mặt bằng đủ cao, làm bằng bê-tông. Nếu trường hợp không đủ vốn xây dựng sân bê-tông, ít nhất phải bơm cát làm sân thì người dân cũng có thể phơi được sau những cơn mưa.