(TSVN) – Dư cung và giá thấp tiếp tục gây thách thức lớn cho thị trường tôm toàn cầu trong năm 2024, buộc các nhà sản xuất phải tìm cách thích ứng với điều kiện mới và thúc đẩy tiêu dùng.
Ngành tôm toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong năm 2024, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo dự báo của Rabobank, sản lượng tôm toàn cầu sẽ không thay đổi, vẫn duy trì mức 3,9 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng nhẹ. Sự mất cân bằng cung, cầu làm gia tăng áp lực giảm giá bán tôm, vốn đã rớt thảm hại trong vài năm trở lại đây.
Các trại nuôi tôm ở châu Á, nơi chiếm phần lớn sản lượng tôm toàn cầu, thậm chí sẽ đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng hơn. Giá tôm thấp và chi phí sản xuất cao đã giáng đòn mạnh vào những trại tôm, khiến nhiều hộ nông dân phải thu hẹp sản xuất hoặc chuyển sang các loài nuôi khác. Ngành tôm Ấn Độ cũng có khả năng đối mặt một năm 2024 đầy chông gai khi sản lượng tôm được dự báo giảm 20%.
Tuy vậy, vẫn còn những tia sáng để người nuôi tôm toàn cầu tự tin vượt qua thách thức. Rabobank dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn do thu nhập tăng dần và quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh ở một số thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ông David Castro, Giám đốc Công ty thủy sản Manta Bay Seafood, trong bối cảnh nguồn cung tôm đang dư thừa, những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ tôm chính là “cứu cánh”. Ông cho rằng, xu hướng tiêu dùng tôm bền vững sẽ trở thành tâm điểm của ngành tôm toàn cầu trong những năm tới. Thực tế, sản phẩm tôm ngày càng có sức hút đối với người tiêu dùng như một nguồn protein bền vững vì hoạt động nuôi tôm tác động đến môi trường thấp hơn so với các hình thức chăn nuôi khác.
Tuy nhiên tình trạng dư cung có thể tiếp diễn trong năm 2024 và các nhà sản xuất cần phải tìm cách giảm chi phí và nâng cao hiệu quả để duy trì tính cạnh tranh. Tại Diễn đàn tôm toàn cầu 2023, ông Gabriel Luna, Giám đốc Công ty Glunashrimp nêu quan điểm, các nhà sản xuất nên tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm tổn thất do dịch bệnh và tìm kiếm thị trường mới.
Gabriel Luna, Giám đốc Công ty Glunashrimp cho rằng, ngành tôm toàn cầu đang đứng giữa ngã ba đường với 2 thách thức lớn nhất là dư cung và giá thấp nhưng vẫn có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Điều quan trọng, các nhà sản xuất tôm phải sớm tìm cách thích nghi với điều kiện thị trường đang thay đổi như hiện nay, từ đó cải thiện hiệu quả để nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng này.
Trước thực trạng này, các nhà phân tích của Rabobank đưa ra 2 giải pháp: Cắt giảm sản xuất hoặc tìm ra công cụ kích cầu. Các chuyên gia tại Diễn đàn tôm toàn cầu 2023 nghiêng về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ bền vững bởi việc cắt giảm sản xuất khó diễn ra đồng loạt.
Ecuador, nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới đã tăng 12% sản lượng tôm, trở thành thành động lực thúc đẩy tăng trưởng sản lượng tôm toàn cầu trong năm 2023. Ngành tôm Ecuador có thể giảm tốc trong năm 2024 do nhiều yếu tố như ngành tôm Trung Quốc – thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ecuador, mở rộng sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu và nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ.
Cục Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador thống kê, sản lượng tôm năm 2023 của cả nước đạt 1,4 triệu tấn và dự kiến tăng lên 1,5 triệu tấn vào năm 2024. Do đó, Ecuador tiếp tục tạo lực kéo đối với sản lượng tôm toàn cầu, khiến tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn mặc dù nhiều nước đã dự kiến cắt giảm sản lượng, như Ấn Độ giảm 20% và duy trì ổn định ở mức 700.000 tấn, theo Shrimpinsight. Rõ ràng, tình trạng giá thấp còn kéo dài và các hãng sản xuất tôm không thể ngồi chờ biến động thị trường mà cần phải chủ động thích ứng với “thời kỳ giá thấp” và một “thị trường dư cung”, ít nhất trong năm 2024. Theo Gabriel Luna, hãy lựa chọn những thế mạnh của tôm, gồm: nguồn cung sẵn có, giá rẻ, nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững của tôm và giá trị dinh dưỡng… để làm công cụ thu hút khách hàng và thúc đẩy nhu cầu.
Tại hội nghị bàn tròn về nuôi trồng thủy sản (TARS 2023) diễn ra vào tháng 8/2023, các chuyên gia đã nhấn mạnh sản xuất tôm bền vững là con đường phát triển lâu dài cho ngành tôm toàn cầu. TS Prakan Chiarahkongman, Phó Giám đốc Công ty CPF, Thái Lan nói rằng, bền vững không phải là một từ vựng mới nhưng nhiều người nuôi tôm hiện vẫn mơ hồ về khái niệm này. Ông nhấn mạnh, nuôi tôm bền vững tức là cần phải có phương thức thực hành đạt hiệu quả chi phí và thân thiện với môi trường.
Theo ông Prakan, một sản phẩm tốt và ít tác động đến môi trường sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Do đó, CPF luôn ưu tiên công nghệ và cải tiến để tăng cường phương pháp thực hành bền vững như lựa chọn di truyền, thay đổi tỷ lệ tinh bột – protein trong thức ăn nhằm giảm ô nhiễm nước và dư thừa nitơ; đa dạng hóa sản phẩm tôm; hệ thống quản lý toàn diện và khả thi để trong tương lai, sản xuất tôm chứa hàm lượng selen cao.
Chuyên gia thị trường Chingling, Giám đốc MidaTrade Ventures, Philippines, đưa ra góc nhìn đa chiều và phù hợp với quan điểm của người nông dân, người tiêu dùng, nhà máy chế biến. Bà cho rằng, tính bền vững xét theo quan điểm của người nông dân chính là những phương pháp nuôi tôm có thể được áp dụng ổn định, lâu dài qua nhiều thế hệ mà vẫn giúp họ duy trì lợi nhuận. Do đó, tính bền vững còn gắn với động lực thị trường, nhất là ở thị trường Mỹ.
Nhiều chứng nhận tôm bền vững ra đời, cũng xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng ở Mỹ về một sản phẩm đảm bảo an toàn và được sản xuất có trách nhiệm với môi trường, xã hội mà không cần phải đến tận gốc và tận mắt chứng kiến mọi quy trình. Theo Chingling, nhiều hãng sản xuất cần hưởng ứng phong trào “tôm thương mại công bằng” như một chiến lược marketing. Khi một khách hàng mua những con tôm này, một nông dân ở châu Á được hưởng lợi.
Tuấn Minh (Tổng hợp)