Chiều 12/2, chiếc tàu đầu tiên được vay vốn theo Nghị định 67 đã chính thức hạ thủy. Ước mơ đóng tàu lớn, vươn khơi xa của ngư dân nay đã trở thành sự thật. Niềm vui còn tăng lên gấp bội khi chiếc tàu được hoàn thành vào ngay trước dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
“Tàu 67” đầu tiên
Ngày 24 âm lịch tháng Chạp, tại Hợp tác xã chuyên đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Viễn Đông, Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, không khí rộn ràng hẳn lên. Tiếng đục, tiếng gõ búa vang liên hồi, các thợ đóng tàu làm việc khẩn trương, tất bật hối hả để kịp hoàn tất khâu cuối cùng để chủ tàu Nguyễn Sáu, ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh hạ thủy vào lúc 4 giờ chiều.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ngư dân lão luyện có 65 năm tuổi đời khi tàu của ông cũng là chiếc tàu cá đầu tiên của Quảng Ngãi được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ hạ thủy. Chiếc tàu có công suất 765 CV, dài 22 m, cao 3,1 m, rộng 6,7 m, với tổng chi phí đầu tư gần 7 tỷ đồng, trong đó ông được vay vốn ưu đãi 4,4 tỷ đồng.
Đây cũng chiếc tàu gỗ được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như hầm bảo quản được làm theo phương pháp thổi xốp phủ kín hầm có khả năng giữ đá lâu tan hơn so với những hầm bảo quản làm theo cách truyền thống.
Chiếc tàu của ông Sáu đang hạ thủy.
Chia sẻ cùng niềm vui ngày hạ thủy con tàu, ngư dân Nguyễn Sáu nhớ lại những ngày đầu tiên theo cha lên con tàu 15 CV của gia đình vượt biển đến Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt, khai thác thủy hải sản và bảo vệ vùng trời vùng biển của Tổ quốc.
Ngày ấy chiếc tàu cá nhỏ chưa có la bàn, định vị, Icom chỉ nhắm hướng mặt trời theo kinh nghiệm truyền thống của cha ông. Tàu giong thuyền hơn 4 ngày 4 đêm mới đến Hoàng Sa, rồi khai thác chỉ trong vòng 10 ngày đã trở về vì tàu nhỏ không đủ sức chứa nhu yếu phẩm và hải sản khai thác được.
“Năm ngoái khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 ra Hoàng Sa uy hiếp, cả xã Phổ Thạnh chẳng có chiếc tàu nào dám đánh bắt ở vùng biển này còn tôi xung phong ra đấy vì mình nghĩ trời của ta biển của ta cớ sao phải sợ? Có lúc tàu của mình nhỏ mà bị hai tàu vỏ thép cao lớn của chúng ép va đập, hư hỏng mình càng nung nấu ý nghĩ đóng tàu thật lớn”- ngư dân Sáu chia sẻ. Cũng vì hành động dũng cảm ấy mà ông Sáu là một trong những cá nhân tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tặng Bằng khen.
Cả đời đi biển, đau đáu với ước mơ đóng tàu lớn, sắm sửa trang thiết bị hiện đại để tạo điều kiện làm ăn, đánh bắt thủy sản hiệu quả hơn. Khi Nghị định 67 ra đời, ông đã không một chút chần chừ, mạnh dạn bán một chiếc tàu nhỏ lấy vốn và vay 4,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Sa Huỳnh để đóng chiếc tàu này.
Nối tiếp những niềm vui
Ông Sáu bảo ăn tết xong khoảng 20 tháng Giêng là ông đi Hoàng Sa. Với chiếc tàu mới này, giúp tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho 16 ngư dân địa phương. 45 năm dãi nắng dầm sương ngoài biển cả bao la, giấc mơ đóng tàu lớn vươn khơi xa nay của ngư dân Nguyễn Sáu nay đã trở thành sự thật khi con tàu có công suất lớn này được hạ thủy.
Tàu công suất lớn sẽ giúp ngư dân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đây không chỉ đơn thuần là hạ thủy một con tàu ra đánh cá ở Hoàng Sa, Trường Sa mà nó còn khẳng định ý chí sắt đá của ngư dân Việt Nam, mang sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hiện Quảng Ngãi có 5.400 chiếc tàu đánh bắt cá ở các vùng biển. Thời gian qua, có 189 tàu cá được xét duyệt vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 15 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nối tiếp cùng niềm vui này với ngư dân Nguyễn Sáu, ông Nguyễn Tư (cùng địa phương) cho biết, ông cũng được xét duyệt vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 với kinh phí hơn 5 tỷ đồng để đóng chiếc tàu mới 700 CV.
Theo ông Ngô Văn Hưng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Nghị định 67 ra đời như là cú huých cho ngành thủy sản. Chi cục luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn cho các đơn vị, chủ tàu được tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị định 67, giúp ngư dân vươn khơi xa bám biển, đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.