Thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 4/3, các nước thành viên Liên hợp quốc đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả – vốn được coi là “kho báu” quan trọng, song dễ bị tổn thương. Ðây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng, có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như bảo đảm phát triển bền vững.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái Đất, song biển cả rất ít được chú ý tới.

Thỏa thuận thành công sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% đại đương toàn cầu vào năm 2030. Ảnh: CBC New

Đại dương thường được xem là vùng hoang sơ cuối cùng của thế giới, chiếm hơn 60% diện tích bề mặt trên thế giới. Những vùng nước này cung cấp môi trường sống cho vô số loài và hệ sinh thái độc đáo, hỗ trợ nghề cá toàn cầu và là vùng đệm quan trọng chống lại khủng hoảng khí hậu. Đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa của thế giới trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, các vùng biển cũng rất dễ bị tổn thương. Biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ đại dương ấm lên và nước biển ngày càng có tính axit đe dọa sinh vật biển. Hoạt động của con người trên đại dương đang gây thêm áp lực, bao gồm đánh bắt công nghiệp, vận tải biển, khai thác khoáng sản ở vùng biển sâu và cuộc chạy đua khai thác “nguồn gen” biển – nguyên liệu từ thực vật và động vật biển để sử dụng trong các ngành công nghiệp như dược phẩm.

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng rác thải nhựa đổ ra các đại dương có thể tăng lên đến một tỷ tấn vào năm 2060. Từ những loài sinh vật nhỏ như tôm, cua, hàu cho đến những loài lớn như cá voi đều là nạn nhân của rác thải nhựa. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng nổ, các đại dương phải hứng chịu lượng rác thải y tế khổng lồ với những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần hay găng tay cao su tràn ngập các bãi biển.

Theo tổ chức Greenpeace, để đạt được mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030 (sáng kiến 30×30, dược các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, tháng 12/2022) từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm thế giới cần bảo vệ được 11 triệu km2 đại dương. Rất ít các vùng biển khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn. Do đó, Greenpeace kêu gọi các nước cần chính thức thông qua hiệp ước, cũng như phê chuẩn càng sớm càng tốt để hiệp ước có hiệu lực, qua đó mang lại sự bảo vệ cho đại dương.

Tại Hội nghị quốc tế “Ðại dương của chúng ta” bế mạc ngày 3/3 tại Panama, EU đã công bố khoản đóng góp trị giá 860 triệu USD cho nghiên cứu, theo dõi và bảo vệ các đại dương trong năm 2023. Trong đó, 39 cam kết hành động của EU bao phủ nhiều lĩnh vực: Khu bảo tồn biển, ô nhiễm biển, biến đổi khí hậu, nghề cá bền vững, nền kinh tế xanh bền vững và an ninh hàng hải. Ngoài ra, EU cũng tham gia Liên minh hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Trong khoản tài trợ nêu trên của EU, khoảng 320 triệu EUR được dành cho các dự án nghiên cứu đại dương nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương; 250 triệu EUR được dùng để phóng vệ tinh Sentinel-1C nhằm giám sát tình trạng tan băng và theo dõi những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu; 126 triệu EUR để bảo vệ đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu ở Benin, Guyana và Tanzania; 24 triệu EUR để cải thiện quản lý nghề cá…

Việt Nam chính thức tham gia Liên minh Đại dương Toàn cầu (GOA) và ủng hộ Sáng kiến 30×30. Trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu sẽ là một bước tiến mới của Việt Nam trong công tác tăng cường quan hệ đối tác, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, kết nối với cộng đồng quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, từ đó giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.

Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Sáng kiến 30×30 là một trong những mục tiêu chính của Khung đa dạng sinh học toàn cầu, kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn (PA) và các biện pháp bảo tồn hiệu quả dựa trên khu vực khác (OECM). Mục tiêu này được đánh giá là khá tham vọng, nhưng Sáng kiến 30×30 được kỳ vọng sẽ trở thành định hướng mới, đặc biệt tiếp tục thúc đẩy thế giới bảo tồn môi trường biển với thành tựu lớn hơn.

Hiệp ước bảo vệ đại dương này ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của 193 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do Liên hợp quốc chủ trì tại New York (Mỹ). Đại diện Liên hiệp quốc cho biết, hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc. Song các nhà hoạt động môi trường đánh giá việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là “bước đột phá” trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Hải Lý

(Tổng hợp)

>> Năm 2022, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiệt độ của các đại dương tăng lên mức cao kỷ lục. Theo nghiên cứu mới đây, so với năm 2021, năm nóng nhất từng được ghi nhận trước đó, phần nước bề mặt dày 2.000 m trên các đại dương đã tích tụ một lượng nhiệt lớn hơn, đủ để đun sôi khoảng 700 triệu ấm nước có dung tích 1,5 lít. Kể từ năm 2017, mức độ nóng lên tại các đại dương liên tục tăng lên những kỷ lục mới.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!