Dư luận bức xúc trước việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế fillet cá tra đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Có quyền nghi ngờ tính công bằng của DOC. Tuy nhiên, ngoài tiến hành thủ tục phản đối theo luật quốc tế để đòi sự công bằng cho sản phẩm cá tra, có lẽ đây cũng là “thời điểm để đổi mới chính mình” như Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng quan niệm. Với khoảng 6.000 ha mặt nước, mỗi năm Việt Nam nuôi được hơn 1 triệu tấn cá tra và xuất khẩu 650.000 tấn fillet đông lạnh, thu về khoảng 1,8 tỷ USD. Ngành cá tra đã trở thành một ngành có công nghệ hiện đại, xây dựng được chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến xuất khẩu, với hàng loạt dịch vụ đi kèm. Thế nhưng, vẫn còn đó sự tự phát, sự cạnh tranh thuần túy về sản lượng mà chưa phải chất lượng. Hậu quả, gây hại lẫn nhau ngay trong nước, tạo ra mâu thuẫn trên thị trường quốc tế, để bị kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, từng nhận xét: Con cá tra trời cho mà mình không biết quản lý khai thác theo hướng bền vững, đem bán đổ bán tháo để bị kiện. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng phân tích, vấn đề không phải sản xuất được bao nhiêu triệu tấn, xuất khẩu được bao nhiêu tỷ USD mà quan trọng nhất là chất lượng thương hiệu. “Khi chất lượng thương hiệu cá tra được nâng cao trên thị trường, coi trọng quyền lợi người tiêu dùng thì chuỗi giá trị gia tăng cũng được nâng cao, mọi người tham gia chuỗi có lãi, môi trường tự nhiên và xã hội ổn định, phát triển bền vững”, ông Dũng nói.
Để đạt được sự phát triển bền vững, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Đã bàn thảo nhiều, vấn đề cấp thiết bây giờ là bắt tay làm. Nguồn tin từ Tổng cục Thủy sản cho biết, những nội dung cụ thể về công tác quy hoạch có thể thực hiện trong năm nay, như cấp phép sản lượng nuôi cho từng địa phương, đánh số ao nuôi để kiểm soát chất lượng và phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Cuối tháng 3 này, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định Quy định Xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản vùng ĐBSCL. Tại Dự thảo có bổ sung nhiều điểm mới; tăng mức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý nhà nước trong hoạt động thủy sản. Đây là những nội dung cần thiết để đưa dần ngành cá tra vào sản xuất có điều kiện.
Cùng đó, một câu hỏi gợi nhiều suy nghĩ: Thực trạng chung còn nhiều hạn chế nhưng tại sao một số doanh nghiệp bị DOC áp mức thuế rất cao, một số lại được áp mức thuế gần bằng không? Trả lời câu hỏi này có lẽ góp phần mở hướng hành động như Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng nói, cần siết chặt hoạt động xuất khẩu, tăng cường kỷ luật, đổi mới phương thức tiếp cận quản lý để đạt hiệu quả kinh tế cao.