T2, 06/07/2020 10:03

Thông điệp hòa bình từ Luật Biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội Khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua đã ghi nhận một dấu mốc đặc biệt. Đây là hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Sự kiện này cũng đã thể hiện một phần khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, luôn mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển theo công lý và luật pháp trong thời đại hội nhập quốc tế.

Ngôn thuận trên danh chính

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về biển, với bờ biển dài hơn 3.200 km, các ngành liên quan đến biển đóng góp rất lớn vào nền kinh tế đất nước. Do vậy, Luật Biển ra đời đánh dấu việc lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo theo đúng Công ước Luật Biển 1982.

Đồng thời, Luật Biển Việt Nam đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển đảo và phát triển kinh tế của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đây là nhu cầu tất yếu trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Luật Biển ra đời sẽ trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi  –  Ảnh: Huy Hùng

Luật Biển đã đề cập một cách toàn diện nhất các hoạt động trên biển đặt dưới sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Điều này thể hiện rõ Việt Nam là một quốc gia ven biển có trách nhiệm trong việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia, cam kết bảo vệ các hoạt động trên biển hợp pháp của các thể nhân, pháp nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam. Đặc biệt là khi Việt Nam đã có Chiến lược phát triển biển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

 

“Bùa hộ mệnh” của ngư dân

Với những người quanh năm bám biển mưu sinh thì Luật Biển sẽ là điểm tựa quan trọng để ngư dân ra khơi. Ông Võ Văn Năm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam nhận định: Luật Biển là đòi hỏi thực tế của một quốc gia nhiều tiềm năng, thế mạnh biển như Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, phát triển tổng thể về kinh tế biển, khai thác và quy định các phạm vi ở góc độ tổng thể, bao quát và thống nhất.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay, cả nước có trên 25.000 tàu thuyền khai thác hải sản trên biển, với 4.200 tổ đội và khoảng xấp xỉ 5 triệu lao động hoạt động quy củ, có tổ chức. Do đó, Luật Biển là cơ sở pháp lý cần thiết đối với ngư dân sản xuất hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Quốc Chinh – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: Có Luật Biển, ngư dân ra khơi đánh bắt càng thêm vững tin, bởi đã có pháp luật bảo hộ. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc thực thi pháp luật về biển sẽ giúp ngư dân hiểu rõ và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi khai thác hải sản trên vùng biển của Tổ quốc.

Còn đối với chủ các tàu thuyền, thì họ hy vọng những vụ việc bắt bớ, thu tàu, đòi tiền chuộc vô cớ, những vụ đâm chìm tàu, cắt lưới, cướp ngư cụ… sẽ được pháp luật bảo vệ.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, 3 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 34 vụ bắt giữ với hơn 40 tàu và hơn 400 ngư dân. Chủ yếu bị bắt giữ bởi các nước như Indonesia, Malyasia, Trung Quốc, Philippines.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, trong năm 2011, tỉnh có 15 tàu cá với 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó, Indonesia bắt giữ 10 tàu, Malaysia bắt giữ 4 tàu và Brunei bắt giữ 1 tàu. Từ đầu năm 2012 đến nay, Bình Định có 1 tàu với 9 ngư dân ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn bị Brunei bắt giữ và mới được thả về.

Còn theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thì từ năm 2005 đến nay, tỉnh có hơn 150 tàu với hơn 1.100 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ vô lý tại các vùng biển Việt Nam. Tính riêng từ đầu năm 2012, tỉnh có 6 tàu và 70 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, đòi tiền chuộc.

Việc bị bắt giữ này kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống ngư dân và hoạt động khai thác trên biển. Do vậy, với sự ra đời của Luật Biển sẽ đảm bảo các hoạt động khai thác, phát triển kinh tế biển và ổn định tình hình đánh bắt của ngư dân, giảm bớt rủi ro bị trấn áp, bắt bớ vô lý và xử lý triệt để các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

 

Và cơ sở để thực thi pháp luật

Không chỉ là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động khai thác trên biển, Luật Biển còn là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện tốt hơn việc quản lý của mình trong vùng biển quyền chủ quyền của mình, đặc biệt là trong giai đoạn mà Việt Nam đã hình thành được các đơn vị chức năng đặc thù như Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư…

Đại tá Trần Trung Kiên – Chính ủy Cảnh sát biển Vùng 2 khẳng định: Luật Biển sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng làm việc với các nước trong khu vực rõ ràng hơn. Mặt khác, sẽ có cơ sở bảo vệ pháp luật, không ngại chồng chéo nhau. Vì luật quy định chức năng, quyền hạn của từng đơn vị, giới hạn phạm vi khai thác biển của Việt Nam và cũng làm cơ sở, căn cứ, không sợ bị mắc sai lầm, vi phạm bảo vệ pháp luật biển. 

Hơn nữa, với sự ra đời của lực lượng cảnh sát biển cùng với nhiều tàu công suất lớn, thực thi nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cứu giúp và bảo vệ ngư dân hoạt động trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Luật Biển sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đơn vị này hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong bối canh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, Việt Nam lại nằm ở cửa ngõ giao thương quốc tế trên biển, Luật Biển góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải, phục vụ việc sử dụng quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và xác định rõ phạm vi, lãnh hải của mình. Đây là quyền, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên cả đất liền và bờ biển của một quốc gia.

>> Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Phạm vi điều chỉnh gồm: các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo…

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!