Nhằm theo kịp những thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời giúp gỡ khó cho ngư dân, nhất là việc vay vốn gặp trở ngại về tài chính, Thông tư 12/2018 của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều điểm rất mới.
Ngư dân vay vốn gặp trở ngại về tài chính sẽ được gỡ khó Ảnh: Huy Hùng
“Chuyển” chủ tàu
Nghị định số 17/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 2/2/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã đưa ra vấn đề cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng câp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục hưởng hỗ trợ lãi suất khi bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.
Tuy nhiên, Nghị định 17 và Thông tư số 22/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP trước đó thì lại chưa đề cập đến cơ chế bàn giao khoản nợ vay đóng mới nâng cấp tàu của chủ tàu khai thác hải sản xa bờ. Vì vậy, tại Thông tư 12/2018/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm nội dung này (Điều 7a. Cơ chế bàn giao khoản nợ vay).
Cụ thể, việc bàn giao lại tàu và khoản nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu của chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động (gọi là chủ tàu cũ) cho chủ tàu được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt thay thế (gọi là chủ tàu mới) được thực hiện như sau: Chủ tàu mới nhận bàn giao toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng cho vay trước thời điểm bàn giao (nếu có). Việc hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, căn cứ thỏa thuận giữa chủ tàu cũ và chủ tàu mới về việc bàn giao lại tàu và khoản nợ vay, ngân hàng thương mại, chủ tàu cũ và chủ tàu mới ký thỏa thuận bàn giao nợ, trong đó nêu rõ dư nợ vay, số tiền lãi phát sinh (nếu có), thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay, quyền hạn, nghĩa vụ của các bên và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, chủ tàu mới và ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận cho vay và hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất do ngân hàng và chủ tàu mới thỏa thuận nhưng không vượt quá thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất còn lại theo quy định (11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới) sau khi trừ đi thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất của chủ tàu cũ tại thời điểm bàn giao khoản nợ vay. Đồng thời, thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay giữa ngân hàng thương mại và chủ tàu mới không phụ thuộc vào quy định về thời gian ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu.
“Chốt” hạn giải ngân
Theo quy định tại Thông tư 12, việc giải ngân cho vay vốn chỉ thực hiện trong năm 2018. Cụ thể, khoản 2 Điều 11 Thông tư này quy định: Ngân hàng thương mại và chủ tàu ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2017 và giải ngân đến hết ngày 31/12/2018. Các khoản giải ngân sau ngày 31/12/2018, lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và chủ tàu không được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Cũng tại Thông tư 12, chính sách vay vốn lưu động cũng được Ngân hàng Nhà nước sửa đổi. Cụ thể, đối tượng được vay vốn là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Thông tư mới tiếp tục thể hiện “tiếng nói” của các ngân hàng thương mại đối với việc vay vốn hay chuyển giao giữa các chủ tàu. Trong đó nêu rõ, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này và kết quả thẩm định đối với chủ tàu mới để có ý kiến về việc bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới, làm cơ sở để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định phê duyệt chủ tàu mới thay thế chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 17.
>> Theo quy định tại Thông tư 12, chủ tàu mới nhận bàn giao khoản nợ vay và tài sản hình thành từ vốn vay từ chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của chủ tàu theo quy định tại Thông tư này và các văn bản khác có liên quan. |