T2, 06/07/2020 10:36

Thu hoạch cua đồng trong ao nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi cua đồng đang phát triển mạnh. Cua đồng có thể nuôi ở nhiều nơi (ruộng lúa, ao, bể…). Tuy nhiên, khi thu hoạch cua không thể tùy tiện, nếu muốn hiệu quả cao. Hiện có hai phương pháp thu hoạch chính.

Thu hoạch toàn bộ

Tháo 60% lượng nước ao. Dùng lưới vét thu. Sau đó tháo cạn, dùng tay bắt hết số cua còn lại trong ao. Ưu điểm của phương pháp này là thu được khối lượng sản phẩm cua lớn, thời gian thu hoạch ngắn, thuận tiện cho việc cải tạo để nuôi vụ sau. Nhưng có nhược điểm là một lượng cua nhỏ chưa đạt kích cỡ thương phẩm cũng được thu hoạch cùng. Số lượng sản phẩm thu hoạch nếu chưa tiêu thụ kịp sẽ bị thất thoát do chết và phải tốn chi phí mua giống nuôi lại vụ sau.

 

Tùy từng mô hình nuôi cua để có cách thu hoạch hiệu quả     Ảnh: Phan Thanh Cường

Thu tỉa

Thu tỉa có nhiều ưu điểm hơn; có thể chủ động bán sản phẩm vào những thời điểm có giá cao (mùa nóng); luôn có sản phẩm xuất bán, do khi thu chỉ chọn những con đạt kích cỡ thương phẩm nên sản phẩm luôn có giá cao hơn. Mặt khác, nguồn con giống luôn được duy trì do lượng cua bố mẹ sinh sản tự nhiên trong ao. Đây là phương pháp thu hoạch được phần lớn các hộ nuôi chọn lựa.

Có 2 cách thu tỉa:

Thu bằng nhử mồi, soi đèn

Trước khi thu hoạch cần cho cua nhịn ăn 1 ngày, chọn khu vực có nước nông (3 – 5cm), dùng cá tạp băm nhỏ ra rải đều lên khu vực lựa chọn vào thời gian từ 16 – 17h.

Đêm xuống, cua sẽ di chuyển từ nơi ẩn nấp ra ăn mồi; dùng đèn pin và xô chậu đi soi để thu hoạch cua. Cần động tác nhẹ nhàng. Chọn những con to thu trước, con nhỏ để lại nuôi tiếp.

Nhược điểm: Thu không được nhiều; khó quan sát cua khi nước đục; tạo nước đục; ánh sáng và tiếng động gây stress ảnh hưởng đến sự phát triển của cua.

Thu hoạch bằng rọ (lờ, lọp, trúm…)

Đây là dụng cụ thu hoạch cua phổ biến, có hình  trụ tròn, bầu dục, đường kính 10 – 15cm, dài 35 – 40cm. Rọ được đan bằng tre, phần đầu rọ được thiết kế cửa hom để cua vào nhưng không ra được; đầu còn lại bỏ trống cửa để đổ cua ra ngoài khi thu hoạch.

+ Chuẩn bị dụng cụ

Tùy theo diện tích nuôi mà chuẩn bị số lượng rọ, có thể 70 – 100 chiếc.

Kiểm tra tất cả hom và dùng rơm, cỏ cuộn tròn nút chặt cửa sau của rọ.

+ Mồi nhử:

Dùng cá mè để ươn, cắt ra từng miếng với kích cỡ 1 x 3cm cho vào mỗi rọ một miếng.

Dùng cám gạo rang thơm, trộn với chất kết dính (bột nấu chín); sau đó nhồi vào vỏ ốc nhồi, sau đó cho vào mỗi rọ 1 vỏ.

Đặt rọ: Trước khi đặt rọ cần ngừng cho cua ăn 1 ngày, đặt rọ lúc 16 – 17h trong ngày. Tùy theo mật độ cua nuôi dày hay thưa mà đặt rọ ít hay nhiều, thông thường cách 1 – 1,5m đặt 1 chiếc.

Rọ được đặt ở mép nước và những khu vực xâm xấp nước, khi đặt rọ phải làm sao cho cửa hom của rọ hướng ra và không bị che khuất; cần dùng cỏ, lá cây phủ lên rọ để ngụy trang. Không được đặt rọ ngập trong nước, vì khi đó cua vào ăn mồi sẽ bị ngạt và chết.

Sau khi đặt rọ 3 – 4h là có thể thu hoạch; sau đó kiểm tra rọ, bổ sung mồi nhử nếu rọ bị hết mồi; đặt rọ vào vị trí cũ để sáng hôm sau thu tiếp.

 

Cách bảo quản

Sau khi thu hoạch, cua được đổ ra chậu nhựa to hoặc thùng xốp để phân loại, cua nhỏ thả lại nuôi tiếp, cua thương phẩm được rửa sạch cho vào túi lưới may sẵn có kích thước 0,6 x 1m, mỗi túi chứa 5 – 6kg cua. Trải rộng túi, đặt nơi thoáng mát, trên nền đất ẩm, tránh nắng nóng, cứ 4 – 5h lại dùng bình ô zoa tưới nước nhẹ lên túi cua; làm như vậy có thể giữ cua sống được 2 – 3 ngày.

Hải An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!