Thử nghiệm nuôi cá hồi trong hệ thống SCCS

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Một thử nghiệm mới đây đã chứng minh hiệu quả của hệ thống nuôi bán khép kín (SCCS) đối với cá hồi Đại Tây Dương. Kết quả cho thấy, cá hồi được nuôi trong hệ thống SCCS của Preline có số lượng rận biển thấp hơn, tốc độ tăng trưởng, trọng lượng cuối cùng và tỷ lệ sống sót cao hơn so với nuôi ở lồng thông thường.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Aquaculture Research gần đây, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên hệ thống raceway của Preline – một hệ thống nuôi bán khép kín – nhằm giải quyết các thách thức về nuôi trồng và tính bền vững trong giai đoạn nuôi cá hồi trên biển. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự phát triển của 6 đàn cá hồi trong hệ thống – từ khi chúng ở giai đoạn con non đến qua giai đoạn nuôi thương phẩm. Sau đó so sánh hiệu suất này với những con được nuôi trong hệ thống nuôi thông thường.

Hệ thống SCCS thuộc nhóm công nghệ tách cá khỏi môi trường đại dương bằng cách bao quanh trang trại bằng hàng rào vật lý. Nguồn cung cấp nước của hệ thống đến từ biển sâu, nơi cung cấp nước sạch và không có rận biển cũng như sinh vật phù du có hại. SCCS đang bắt đầu đạt được sức hút vì có thể giảm bớt nhiều thách thức về môi trường thường thấy trong giai đoạn nuôi biển. Các thử nghiệm khác cho thấy lựa chọn hệ thống này cho phép các nhà sản xuất tăng mật độ thả nuôi mà không gặp phải các thách thức về dịch bệnh hoặc ô nhiễm hữu cơ.

Thử nghiệm

Đối với thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu muốn xác nhận hiệu suất sinh học (tăng trưởng, khả năng phục hồi và tỷ lệ tử vong) của cá hậu bị trong hệ thống Fishfarm của Preline và so sánh chúng với cá hồi nuôi trong lồng lưới thông thường. Hệ thống SCCS của Preline có thể tích nuôi 2.000 m3, bao gồm một raceway dài 50 m với mặt cắt ngang hình elip. Đối với các lồng biển thông thường, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các lồng biển hình nón tròn dài 160 m mở có sức chứa lên đến 200.000 con/lồng. Ngoài việc so sánh song song giữa SCCS và nhóm đối chứng, các nhà nghiên cứu cũng theo dõi vai trò của nhiệt độ nước đối với năng suất của cá hồi. Điều này bao gồm việc so sánh tốc độ tăng trưởng và khả năng phục hồi của cá được thả trong mùa thu và mùa xuân.

Hệ thống ngăn chặn bán khép kín của Preline. Ảnh: Preline

Sau khi giao những con cá hồi non cho các nhóm đối chứng và thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chia thành 6 nhóm khác nhau. Trong đó, 3 trong số các nhóm đã được nuôi vào vụ xuân (nhóm 1, 3 và 5) và 3 nhóm còn lại được nuôi vào vụ thu (nhóm 2, 4 và 6). Sau đó, chúng được chuyển sang nuôi biển tại cơ sở Lerøy Vest AS ở Tây Na Uy, các nhà nghiên cứu đã tạo ra 2 giai đoạn thử nghiệm riêng biệt. Giai đoạn đầu tiên theo dõi hoạt động của các cá thể sau khi chúng được đưa vào nước biển lần đầu tiên cho đến khi chúng đạt khoảng 800 g (từ 4 – 6 tháng). Giai đoạn thứ hai quan sát cá trong giai đoạn lớn lên trong nước biển đến khi chúng đạt 5 kg. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh hiệu suất của chúng với các nhóm đối chứng được nuôi trong lồng ngoài biển từ giai đoạn sau nuôi vỗ.

Kết quả

Trong giai đoạn 1 của thử nghiệm, các nhà nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) được cải thiện và tăng trọng cao hơn của các nhóm trong SCCS, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong giữa hai hệ thống. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ theo mùa cũng đóng vai trò trong hiệu suất tăng trưởng và FCR, với cá vụ thu hoạt động tốt hơn so cá vụ xuân. Phân tích thống kê chỉ ra rằng nhiệt độ là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tăng trưởng trong các đàn ở giai đoạn này – hệ thống nuôi không đóng vai trò mạnh mẽ.

Cá trải qua giai đoạn 1 trong SCCS đã cho thấy hiệu suất được cải thiện trên nhiều chỉ số. Các nhà nghiên cứu cho rằng các raceway được sử dụng trong hệ thống Fishfarm của Preline đóng một vai trò trong lợi ích sản xuất. Raceway được thiết kế để kiểm soát tốc độ nước – điều này đã được chứng minh là có tác động đến hiệu suất tăng trưởng. SCCS đã tạo điều kiện cho cá hồi bơi lội, kích thích sự phát triển và giảm FCR.

Hiệu suất tăng trưởng được cải thiện trong hệ thống Preline cũng được quan sát thấy trong giai đoạn 2 của thử nghiệm. Cá hồi trong các nhóm này cho thấy tăng cân và trọng lượng cuối cùng cao hơn so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy rằng việc giữ con non trong SCCS có tác dụng tích cực kéo dài tốt đến giai đoạn nuôi lớn cuối cùng ở biển.

Khi kiểm tra mức độ rận biển, các nhà nghiên cứu cho biết sự xâm nhập của cá được nuôi trong hệ thống Preline thấp hơn đáng kể so với những con trong nhóm đối chứng – bất kể mùa nào. Nhóm nghiên cứu cho rằng điều này là do lượng nước sâu trong SCCS. Vì rận biển có xu hướng tập trung ở các lớp bề mặt, nên việc lấy nước từ độ sâu 30 m giữ cho sự xâm nhập của rận ở mức thấp. Khi kiểm tra cá hồi ở giai đoạn 2 của thử nghiệm, xu hướng trong dữ liệu vẫn cho thấy sự xâm nhập của rận biển thấp hơn. Các quan sát thực địa cũng chỉ ra rằng cá trong nhóm SCCS cần ít phương pháp điều trị rận hơn so với nhóm đối chứng.

>> Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng hệ thống SCCS đối với cá hồi non mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất. SCCS có thể sản xuất những con cá khỏe hơn, có trọng lượng cuối cùng và tỷ lệ sống sót cao hơn, đồng thời khả năng mắc rận biển thấp hơn.

Minh Sương

Theo TFS

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!