Thử nghiệm sản xuất giống hàu Thái Bình Dương: Nguồn giống chủ động, năng suất thương phẩm cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Dự án “Xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất giống hàu Thái Bình Dương (TBD) tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” do anh Phạm Minh Công (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở KH-CN) và anh Nguyễn Văn Mãnh (Phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu) đồng chủ nhiệm dự án thực hiện đã có những thành công bước đầu.

Theo anh Phạm Minh Công, dự án triển khai thực hiện theo 3 đợt sản xuất giống, mỗi đợt sản xuất thực hiện các công đoạn: chuẩn bị bể nuôi vỗ hàu bố mẹ; nuôi tảo sinh khối; cho hàu bố mẹ sinh sản; thu và ấp trứng; chăm sóc và ương nuôi ấu trùng hàu. Mỗi công đoạn cần chuẩn bị các nguyên vật liệu và thực hiện nhiều công việc liên quan để thu hàu giống cấp 1 cung cấp cho người nuôi hàu thương phẩm.

Nuôi thử nghiệm giống hàu TBD đem lại năng suất thương phẩm cao. 

Nuôi thử nghiệm giống hàu TBD đem lại năng suất thương phẩm cao.

Dự án đã triển khai thực hiện được 2 đợt sản xuất giống. Đợt 1 thu được 2.500 miếng giá thể, mỗi miếng tập trung 70-90 con hàu giống cấp 1. Đợt 2 chỉ thu được 250 miếng giá thể, nguyên nhân gây chết ấu trùng hàu là do mật độ các nguyên sinh động vật trong nước quá cao. Hàu giống cấp 1 đã được bà Lưu Thị Hồng Loan, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) lấy giống nuôi trên bè ở xã Long Sơn với diện tích 5.000 m2. Kỹ thuật nuôi hàu TBD bằng hình thức nuôi lồng bè, mỗi ô nuôi có kích thước 3 x 6 m, trên mặt ô nuôi được đóng các cây tầm vông; cây cách cây 30cm để treo những dây hàu giống, mỗi cây 12 dây hàu giống, mỗi dây 5 miếng. Sau 2 tháng nuôi, kết quả hàu lớn nhanh, tỉ lệ sống cao, tỉ lệ trọng lượng sữa trên trọng lượng cơ thể cao và đã tách ra nuôi rời trong rổ nhựa (mỗi rổ khoảng 3 – 4 kg), hiện đạt 25 con/kg, dự kiến khoảng 2 tháng sau thu hoạch, ước sản lượng hơn 3 tấn/2.500 miếng giá thể. Giá bán hàu thương phẩm dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Với kết quả này, giống hàu TBD đang là lựa chọn của nhiều hộ nuôi hàu ở xã Long Sơn.

Theo anh Nguyễn Văn Mãnh, đồng chủ nhiệm dự án, trước đây, người nuôi hàu sử dụng hàu giống tự nhiên, thường gọi là hàu bản địa (hàu lá). Với hình thức nuôi này, người nuôi thả vật bám vào từ tháng 1 hàng năm để hàu tự nhiên bám. Từ khi thả vật bám đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 18 tháng, ngoài ra còn tùy thuộc vào giống tự nhiên có bám hay không. Thực tế trong những năm gần đây, do môi trường bị ô nhiễm nên mật độ hàu bám không cao. Hơn nữa, vào cuối năm khoảng từ tháng 10 trở đi có hiện tượng hàu chết. Nhất là trong 2 tháng trở lại đây, người nuôi hàu cho biết hàu chết rất nhiều, có những bè tỉ lệ chết lên tới 90%. Với giống hàu TBD, người nuôi hàu khu vực Long Sơn sẽ được hưởng lợi bởi con giống không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, sản lượng hàu đảm bảo quanh năm, đáp ứng được cho nhu cầu thị trường; mặt khác hàu có tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 5 – 6 tháng nuôi là thu hoạch), có khả năng thích ứng, tăng trưởng và phát triển tốt tại vùng nuôi, đồng thời không gây ô nhiễm cho môi trường. Đây cũng là giải pháp cho người nuôi hàu tại Long Sơn trong khi hàu bản địa xảy ra tình trạng chết nhiều như hiện nay.

Tuy nhiên, theo anh Mãnh, khó khăn của các hộ nuôi hàu là chi phí nhân công cao (vì phải thường xuyên tách phân cỡ hàu), hàu TBD chưa được ưa chuộng.  Mặt khác, các hộ dân không có đủ điều kiện để lưu giữ tảo giống, nguồn tảo giống được mua từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 và 3 nên không chủ động được trong hoạt động sản xuất giống. Khi gặp điều kiện môi trường bất lợi, nuôi tảo sinh khối kém phát triển hoặc tảo tàn thì không có nguồn thức ăn dự trữ cung cấp cho ấu trùng hàu làm ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình sản xuất giống. Cơ sở sản xuất giống chưa có điều kiện và năng lực để phát hiện ấu trùng hàu bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc nguyên sinh động vật. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra thì đợt sản xuất bị thất bại và không thể cứu chữa. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh được đặt lên hàng đầu như: Xử lý thật kỹ nguồn nước bằng cách lọc qua cát mịn và sau đó lọc qua bầu lọc 1-5µm; cung cấp đầy đủ tảo làm thức ăn cho ấu trùng và hàu giống; thường xuyên tẩy trùng các dụng cụ dùng trong trại giống và không nên dùng chung dụng cụ ở các bể ương; Dùng chế phẩm vi sinh để cân bằng sinh thái trong hệ thống bể ương nhằm kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn Vibrio.

Nhật Quang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!