Đó là kết quả nghiên cứu và ứng dụng của KS Phạm Duy Phượng, giảng viên khoa Điện Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa về thiết bị gây tê cá ngừ đại dương; giúp giảm công lao động, đảm bảo an toàn cho thuyền viên, nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương sau khi câu…
Nâng cao chất lượng cá
Ngư dân Lê Tấn Hồng, chủ tàu cá PY90612TS ở khu phố 4, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), người đầu tiên sử dụng thiết bị gây tê này, kể: “Chuyến biển câu cá ngừ đại dương trong tháng 9/2014 cũng như các chuyến biển trước đây, nhưng khác ở chỗ là trên tàu của tôi có thêm thiết bị gây tê cá ngừ và số lượng thuyền viên chỉ còn 7 người thay vì 10 như trước. Ra khơi gặp thời tiết bất lợi, thời gian thả câu chỉ 5 ngày, cả đi lẫn về 11 ngày, nhưng đây là chuyến biển thử nghiệm thiết bị gây tê cá ngừ mang lại thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi câu được 5 con cá ngừ đại dương nặng khoảng 350 kg và hơn 300 kg cá khác, trong đó có 4 con cá ngừ chất lượng cao, con còn lại không đạt do bị dị tật. Chuyến này lãi 37 triệu đồng”.
Theo ông Lê Tấn Hồng, để cá ngừ đạt chuẩn xuất khẩu sang Nhật thì quy trình đánh bắt, gây tê, sơ chế bảo quản phải được thay đổi nhiều so với lây nay. Khi cá dính câu, ông dùng thiết bị gây tê làm cho cá không vùng vẫy nhiều, bất động, sau đó kéo cá lên tàu cho vào thùng nước đá lạnh 8 – 100C và có hệ thống sụt khí, ngâm khoảng 30 phút. Lúc này, cá vẫn còn sống nhưng hôn mê. Sau đó, đưa cá ngừ ra ngoài chọc tủy, xả tiết, mổ lấy lòng, rửa sạch rồi tiếp tục đưa cá vào thùng nước đá, ngâm lạnh 30 phút nữa rồi mới chuyển cá vào hầm lạnh. Trước khi ướp đá, cần phủ lớp vải mỏng lên lưng cá để giữ độ ẩm và tránh trầy xước da cá trong quá trình bảo quản…
Ngư dân Lê Tấn Hồng thao tác đưa thiết bị gây tê vào dây câu
Theo giao kèo, Công ty CP Bá Hải sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên tàu PY90612TS. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cho biết: “Trong số 5 con cá ngừ đại dương tàu ông Hồng bắt được, có 1 con đạt chuẩn xuất khẩu sang Nhật, 3 con đạt chuẩn xuất sang Mỹ. Công ty đã mua 4 con cá ngừ đại dương của ông Hồng với giá 120.000 đồng/kg, trong khi giá cá ngừ loại 1 tại thời điểm chỉ 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, để động viên cho chuyến thử nghiệm này, Công ty đã hỗ trợ một phần kinh phí cho tàu của ngư dân Lê Tấn Hồng”.
“Chất lượng cá ngừ không bị phụ thuộc bởi đèn câu mà ở chỗ cách câu và xử lý bảo quản sau khi câu. Quy trình khai thác và sơ chế cá ngừ đại dương của ngư dân Lê Tấn Hồng làm cho con cá đẹp, đạt chất lượng, không bị xô xương (phần thịt gần xương sống cá bị hư, màu sậm, cơ thịt không còn dai) như lâu nay…” – Giám đốc Công ty CP Bá Hải cho biết thêm.
Rất cần nhân rộng
Theo ngư dân Lê Tấn Hồng, trong câu cá ngừ, lâu nay phải 20 – 30 phút mới đưa được cá lên tàu, nếu gặp cá lớn thì mất hơn 1 giờ và tỷ lệ khoảng 30%, trong khi sử dụng thiết bị gây tê chỉ mất chừng 5 phút. Đặc biệt, khi sử dụng thiết bị gây tê để bắt các loài cá hung dữ, sẽ đảm bảo an toàn cho thuyền viên. Bình thường, mỗi tàu câu cá ngừ đại dương khoảng 10 người, nhưng có thiết bị gây tê cá ngừ thì chỉ cần 7. Trước đây, để làm cho cá chết, ngư dân phải dùng búa hoặc chày gỗ đập đầu cho cá chết nhanh. Cách làm này khiến cá vùng vẫy mạnh, thịt cá bị dập nên chất lượng không đạt chuẩn xuất khẩu. Đánh bắt bằng phương pháp gây tê, cá không vùng vẫy nhiều, cộng thêm với quy trình ngâm lạnh trước và sau sơ chế nên thịt cá không bị dập, cá đạt chất lượng cao.
Ngư dân Huỳnh Đức Ta, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), thuyền viên tàu PY90612TS, kể: “Chuyến biển vừa rồi tôi thấy thiết bị gây tê cá ngừ này rất an toàn. Khi thiết bị thả xuống đụng con cá thì mới kích điện và chỉ trong vài giây nên thuyền viên rất an tâm”.
Công ty CP Bá Hải đang đặt hàng tại TIC-STECH với 30 bộ thiết bị gây tê cá ngừ này để cấp cho đội tàu khai thác cá ngừ đại dương mà Công ty đã ký kết. Hy vọng, thời gian tới, thiết bị gây tê cá ngừ sẽ hỗ trợ ngư dân trong quá trình đánh bắt và cải thiện được chất lượng cá ngừ đại dương”.
>> KS Phạm Duy Phượng, giảng viên khoa Điện, Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, người trực tiếp chế ra thiết bị gây tê cá ngừ, cho biết: “Thiết bị gây tê cá ngừ là bộ kích điện, sử dụng nguồn điện áp vào 220VAC hoặc 24VDC. Thiết bị này chỉ làm cho cá dính câu bị hôn mê nhất thời trong phạm vi hẹp chứ không như xung điện. Thiết bị gây tê này không ảnh hưởng đến sinh vật khác xung quanh”. |