(TSVN) – Với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, lễ hội cá tra lần đầu tiên được Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hướng đến xây dựng hình ảnh “thủ phủ” cá tra.
Ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự – Đồng Tháp, cho biết: Cá tra là sản phẩm lâu đời gắn với cuộc sống của người dân miền Tây. Trước kia, người dân chỉ đi vớt cá tra trên sông Hậu, sông Tiền là loại cá nhỏ (cá bột) về nuôi lớn trong ao hầm phía sau nhà để làm nguồn thực phẩm chính cho gia đình quanh năm. Nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, cá tra từ ao làng đã “vươn ra biển lớn”, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới.
Cá tra hiện là một trong 5 mặt hàng chủ lực tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp để góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Giá trị cá tra mang lại đã vượt xa cây lúa. Đến nay, sản phẩm cá tra của Đồng Tháp đã vươn ra thế giới với 134 quốc gia, vào được hầu hết các thị trường khó tính nhất và dẫn dắt theo các quan hệ hệ kinh tế, các sản phẩm khác…
Từ ngày 16 – 17/12 Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ hội cá tra với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, hướng đến xây dựng hình ảnh “thủ phủ” cá tra
Do đó, để tôn vinh con cá tra nơi “thủ phủ” đầu tiên ở ĐBSCL tại TP Hồng Ngự (Đồng Tháp), Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ hội cá tra lần đầu tiên được diễn ra từ ngày 16 – 17/12 tại TP Hồng Ngự nhằm tôn vinh, ghi nhận những cá nhân, đơn vị có công phát triển ngành hàng cá tra. Lễ hội cũng là cơ hội để nhìn lại hành trình phát triển của cá tra, một sản phẩm rất tự hào của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Theo ông Luân, điểm nổi bật của Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022 sẽ là các hoạt động trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới, thưởng thức biểu diễn ẩm thực, quà lưu niệm, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra, hội thi ẩm thực từ cá tra, tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra.
Lễ hội còn tổ chức các tour tham quan các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra, tổ chức yến tiệc cá tra, hóa trang – diễu hành, thả “ngư đăng” trên sông, thả cá ra tự nhiên. Trong khuôn khổ lễ hội còn có các diễn đàn, hội thảo như hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022, hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký kết hợp tác và tọa đàm của ngành khuyến nông Việt Nam.
Cá tra hiện là một trong 5 mặt hàng chủ lực tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp
Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp mục tiêu thả nuôi 2.200 ha diện tích cá tra, tăng 4,7% so với năm 2021 với sản lượng 495.000 tấn, tăng 1,8% so với năm 2021. Sản lượng cá tra bột 24 tỷ con, tăng 28,3% so với năm 2021. Sản lượng cá tra giống hơn 1,7 tỷ con, tăng 55,4% so với năm 2021.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trên dòng sông Mekong hùng vĩ trải qua rất nhiều đất nước nhiều dân tộc đã hình thành nên những xóm làng những nền văn hóa gắn liền với sông nước. Trong đó Đồng Tháp là một tỉnh nằm ven theo sông Mekong đã nhận được một món quà mà thiên nhiên ban tặng, đó là con cá tra. Con cá tra có mặt trong tự nhiên bao đời nay, đã gắn bó với người Đồng Tháp người dân sống cặp theo sông Tiền, sông Hậu. Từ đó con cá tra trở thành món ăn tự nhiên, khai thác tự nhiên ở trong những bữa ăn của người nghèo của những gia đình bình dân.
Hiện nay TP Hồng Ngự – Đồng Tháp là nơi “thủ phủ” cá tra lớn nhất ĐBSCL
Thời quan qua, bằng cái sự sáng tạo, sự tâm huyết của những nông dân và doanh nghiệp. Con cá tra từ là một loài cá tự nhiên, giờ thì người Đồng Tháp là người tiên phong để đột biến con cá tra trở thành đặc sản và hơn thế nữa là sản phẩm có thể lai tạo ép nuôi quy mô lớn được để trở thành một sản phẩm quốc gia mà khó các nước nào có được.
Từ loài cá da trơn trên mâm cơm hàng ngày của người dân nông thôn miền Tây, thì bây giờ sản phẩm cá tra đem theo hình ảnh của những người nông dân vùng ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp để cho cả thế giới biết đến. Con cá tra có mặt ngày hôm nay đã vượt biên, đi xa ngàn dặm đến các bàn ăn trên thế giới, cũng đánh đổi bao mồ hôi, công sức của những người nông dân, của những doanh nghiệp để biến con cá tra trở thành một đặc sản mà thế giới công nhận là ngon nhất. Để từ đó lan tỏa ra những cái giá trị khác của Đồng Tháp nói riêng và bây giờ sản phẩm cá tra đã trở thành của ĐBSCL nói chung mà con cá tra nó đại diện mang hình ảnh của một quốc gia về xuất khẩu lớn nhất trên thế giới.
Do đó, trong thời gian tới, câu chuyện con cá tra của ĐBSCL nói chung và của Đồng Tháp nói riêng không phải là một câu chuyện kể về một hành trình từ con cá tự nhiên. Đó là con cá mang dấu ấn của bàn tay con người nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học đã làm tạo ra những giá trị gia tăng rất nhiều lần cho hàng trăm ngàn người nông dân tạo ra doanh thu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chúng ta xem con cá tra là một nghề kinh doanh tiềm năng lớn thì chúng ta phải cùng nhau tạo dựng ra hình ảnh thương hiệu con cá tra nó bắt nguồn từ những người nông dân làm giống, người nuôi, những doanh nghiệp thu mua chế biến đa dạng hóa những sản phẩm chế biến từ con cá tra.
Lễ hội cá tra năm 2022 cũng là cơ hội để nhìn lại hành trình phát triển của cá tra, một sản phẩm rất tự hào của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, mỗi người dân ĐBSCL tự hào rằng quê hương của mình xứ sở của mình có một cái đặc sản vừa mang tính tự nhiên mà cũng là người vừa mang theo giá trị từ con người tạo ra để chúng ta cùng nhau giữ gìn để thương hiệu đó. Trong đó cái nghề tự nhiên nuôi con cá tra thì tiếp tục một cái hành trình chúng ta cùng nhau hợp tác, cùng nhau liên kết lại trong những không gian chung và cùng liên kết với doanh nghiệp để chúng ta giữ gìn được cái giá trị của con cá tra để vượt ra biển lớn.
Để câu chuyện vượt ra chuyện lớn nó bền vững hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL trong thời gian tới cần đảm bảo về mặt chất lượng của con cá tra, nhưng không đánh đổi môi trường nuôi, đảm bảo không lây lan dịch bệnh gây ra tổn thất trong quá trình chăn nuôi làm khó khăn thêm cho bà con.
Bộ NN&PTNT cũng mong rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần liên kết với ngân hàng để vươn ra biển lớn theo phương chăm “buôn có bạn, bán có phường” để chúng ta không cạnh tranh với nhau mà cùng nhau để cạnh tranh với những ngành hàng thủy sản của các quốc gia khác trên thế giới.
Ngọc Trinh
>> Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch COVID-19, ngành hàng cá tra vẫn năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường sau đại dịch. Nhờ đó, sản lượng cá tra năm nay dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD (tính đến ngày 15/11/2022 kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD). Đây là sản lượng, giá trị cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành hàng này.