T2, 06/07/2020 09:48

Thứ trưởng bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2010 đi qua với kết quả khả quan cả trong nuôi trồng và xuất khẩu, tạo đà quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế. Nhìn lại toàn diện thành quả này, nhân dịp Xuân mới, Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám.

 

Theo Thứ trưởng, điều gì đã làm nên thành công vượt bậc của thủy sản Việt Nam năm 2010?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Nhu cầu của thị trường thế giới phục hồi nhanh, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta đều được mùa và được giá. Ưu thế cạnh tranh được phát huy, chúng ta đã có kinh nghiệm hơn, nhanh nhạy hơn, phối hợp tốt hơn khi giải quyết những rào cản thương mại, trong sản xuất đã có nhiều cố gắng về quản lý chất lượng và phòng trừ dịch bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi khắt khe của thị trường. Đây là sự cố gắng chung của toàn ngành, đặc biệt tôi đánh giá cao sự nỗ lực của bà con nông, ngư dân và doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến vai trò năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

 

Những tín hiệu khả quan của ngành thủy sản cuối năm 2010 báo hiệu cho thành công của năm 2011, nhận định của Thứ trưởng về vấn đề này?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tôi không nghĩ như vậy, chúng ta không nên chủ quan, những khó khăn, thách thức của  năm 2011 có khi còn nhiều hơn. Trước hết, rào cản thương mại ngày càng tinh vi, quyết liệt hơn, có nhiều yếu tố khó lường. Giá tăng nhưng nhiều khi lợi nhuận không tăng tương xứng, vì tốc độ tăng các yếu tố đầu vào nhanh hơn. Như đối với cá tra, cuối năm 2010 giá cá nguyên liệu cao kỷ lục lên tới trên 23 ngàn đồng một kg, nhưng người nuôi vẫn không vì thế mà đổ xô nuôi cá như những năm trước vì đầu tư lớn, giá vật tư đầu vào cao, có nhiều rủi ro, sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu dù được cải thiện nhưng vẫn chưa tạo được sự tin cậy vững chắc.

 

Kim ngạch xuất khẩu tra, basa đạt gần 1,4 tỷ USD                 Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các rào cản thương mại từ thị trường nhập khẩu chủ lực… Theo Thứ trưởng, ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải làm gì để vượt qua những trở ngại đó?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Trước hết, cần phải nhanh nhạy và phối hợp tốt để giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra của thị trường, những vấn đề phương hại đến uy tín của thủy sản Việt Nam, như sự kiện đấu tranh buộc WWF phải đưa cá tra ra khỏi “danh sách đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn người tiêu dùng ở 6 nước châu Âu là một ví dụ tốt. Hai là, chủ động và đổi mới trong công tác thông tin, truyền thông, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Ba là, kiểm soát chặt chẽ chất lượng theo chuỗi sản phẩm, từ sản xuất nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích và trách nhiệm giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ.

 

Năm 2011, thủy sản Việt Nam sẽ trọng tâm vào hướng phát triển nào? Sản phẩm nào sẽ là chủ lực của ngành cả trong nuôi trồng và xuất khẩu, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng. Năm 2011 là năm đầu triển khai Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, những việc tạo nền tảng cho phát triển ổn định của ngành cần phải ưu tiên triển khai, như qui hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực, rà soát bổ sung các cơ chế chính sách, các quy chuẩn kỹ thuật, các quy trình sản xuất tiên tiến… Sản phẩm nào có thị trường tốt, có lợi thế cạnh tranh và khối lượng hàng hóa lớn cần được tập trung để phát triển. Ngoài các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, thì nhuyễn thể là mặt hàng có nhiều triển vọng nhất, đặc biệt là nghêu (ngao) đã hội đủ các yếu tố để phát triển thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong tương lai không xa. Đồng thời, chúng ta cần quan tâm đúng mức đến thị trường trong nước, những sản phẩm có dung lượng thị trường vừa và nhỏ, cần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, trong đó ưu tiên các đối tượng bản địa, đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao là đặc sản, là thế mạnh và thị hiếu của từng vùng của cả nước.

Và nếu không sớm có chiến lược phát triển thủy sản nuôi như vừa qua, thủy sản nuôi sẽ không đóng vai trò đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu và thuỷ sản Việt Nam sẽ không có uy tín như hiện nay. Thực tế, mấy năm qua sản lượng thuỷ sản khai thác đang dừng lại ở ngưỡng 2 triệu tấn do nguồn lợi cạn kiệt. Vì vậy, hướng phát triển thủy sản nuôi là hướng chủ đạo đối với ngành thủy sản Việt Nam. Có thể nói thủy sản nuôi là cứu cánh, là hướng chính trong phát triển thủy sản trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

>> “Theo định hướng phát triển, dự kiến đến năm 2020, sản lượng thuỷ sản nuôi sẽ đạt khoảng 4 – 5 triệu tấn, các đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá biển nuôi, cá rô phi, tôm càng xanh… Cơ bản giữ diện tích nuôi khoảng 1,1 triệu ha như hiện nay, nhưng tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả theo hướng phát triển bền vững; vừa tập trung phát triển một số đối tượng nuôi chủ lực có thị trường tốt, có lợi thế cạnh tranh vừa thực hiện đa dạng hóa các loài nuôi”.

 

Thu Hồng

                (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!