Thu “vàng xanh” mùa nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Chuyển dịch cơ cấu phù hợp từng vùng sinh thái, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã chọn mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ là khâu đột phá. Nhờ đó, nhiều năm qua nông dân Tam Nông “hốt bạc” từ con tôm càng xanh.

Liên tiếp trúng lớn

Hơn 8 năm qua, nhiều hộ nông dân huyện Tam Nông đã được hệ thống ngân hàng trong tỉnh cho vay với định mức 60-110 triệu đồng/ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng mùa lũ. Trong tổng diện tích nuôi trên 1.200 ha tôm càng xanh mùa lũ năm 2010 ở tỉnh Đồng Tháp thì tại vùng dự án huyện Tam Nông có 131 hộ nuôi với 701 ha. Sau thu hoạch, tổng sản lượng đạt hơn 1.200 tấn tôm thương phẩm. Giá bán dao động từ 100.000-240.000  đồng/kg (cao hơn năm 2009 từ 25.000-45.000 đồng/kg). Nhiều người nuôi, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, công chăm sóc và thanh toán vốn – lãi cho ngân hàng… đã có lợi nhuận từ 30 đến hơn 110 triệu đồng/ha. Mô hình này đã giúp nhiều nông hộ có nguồn thu nhập cao và ổn định. Nhiều căn nhà lầu khang trang, nhà tường thoáng rộng trị giá hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng đã được xây dựng trên vùng đất Tam Nông là từ kết quả nuôi tôm càng xanh trên ruộng mùa nước nổi.

Mùa lũ năm 2011, toàn huyện Tam Nông có 128 hộ thả nuôi 808 ha tôm càng xanh (tăng hơn 100 ha so với vụ nuôi mùa lũ năm 2010). Đến nay, đàn tôm đạt trọng lượng bình quân từ 60-100 g/con. Nông dân đang vừa ra sức phòng chống lũ bảo vệ vuông tôm vừa thu tỉa tôm ôm trứng và rất phấn khởi khi bán được giá cao gần gấp đôi năm trước. Mỗi tuần, nông dân trong huyện thu tỉa trên dưới 250 kg tôm càng xanh ôm trứng. Hiện, toàn huyện đã thu tỉa hơn 50 tấn tôm càng xanh ôm trứng, bán với giá trung bình 115.000 đồng/kg. Đa số người nuôi tôm càng xanh ở Tam Nông cho biết: Năm nay mặc dù chi phí đầu tư nuôi cao, người nuôi khá vất vả trong khâu bảo vệ và chăm sóc do lũ lớn và mưa dông diễn ra liên tục, nhưng bù lại nguồn thức ăn cho tôm dồi dào, giá thức ăn rẻ, nguồn nước tốt, có thể nuôi số lượng lớn, con tôm tăng trưởng nhanh, đồng đều và tôm bán được giá, cho lợi nhuận rất hấp dẫn. Bình quân 1 tấn tôm thương phẩm, người nuôi có thêm nguồn lãi cao hơn từ 15-25 triệu đồng so cùng kỳ năm 2010. Anh Nguyễn Văn Minh ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B, tâm sự: “Tôi nuôi năm nay là năm thứ 5 rồi. Nói chung, mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ có hiệu quả, lãi cao hơn trồng lúa nhiều. Năm nay, tôi nuôi tổng cộng 8 ha, đến thời điểm này là 5 tháng, tôm loại 1 là 100g đạt khoảng 15-20%”.

Nuôi tôm càng xanh mùa lũ đem lại hiệu quả cao       Ảnh: Phan Thanh Cường

Về Cù lao Chim, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến người nuôi bơi xuồng vòng quanh vuông bỏ mồi cho tôm ăn thật nhộn nhịp. Ai cũng bảo tôm tăng trọng rất nhanh. Người nuôi thường xuyên theo dõi, chăm sóc và bảo vệ đàn tôm, thu tỉa tôm trứng để bán nhằm kích thích tôm đực phát triển nhanh, tăng kích cỡ tôm loại 1. Ông Dương Văn Diễn đã có 6 năm trong nghề nuôi tôm ở vùng Cù lao Chim, với 12 ha nuôi tôm mùa lũ, mỗi năm gia đình ông có khoản lợi nhuận trung bình hơn nửa tỷ đồng. Mùa này, ông Diễn thả nuôi 1,5 triệu con tôm. Hiện tại, đàn tôm được 4-5 tháng đạt từ 60-70g/con. Trao đổi với tôi, ông Diễn nói: “Mực nước năm nay cao hơn mực nước năm ngoái trên dưới 1,5m. Tuy có vất vả nhưng nếu bảo vệ tốt thì thu lợi nhiều hơn vì nước to, thức ăn dồi dào, tôm mau lớn, hơn thế giá bán năm nay rất cao”.

 

Đầu tư, chuyển đổi hợp lý

Dọc dài dòng kênh Đồng Tiến và quanh vành đai Vườn Quốc gia từ thị trấn Tràm Chim qua xã Phú Thọ, Phú Thành A đến xã Phú Thành B, Phú Hiệp, Phú Đức…, nước lũ đang tràn bờ, mênh mông, các vuông tôm chỉ được phân định bằng cọc tre – tràm – bạch đàn và lưới cước cơi nới thẳng tắp nhô trên mặt nước. Đêm xuống, hệ thống bóng đèn neon sáng rực cả cánh đồng tôm, từng đàn tôm nuôi bơi lội tung tăng trong vuông thật đẹp mắt. Qua thực tế tại xã Phú Thành B – nơi có hơn 50% diện tích nuôi tôm của huyện cho thấy: chính quyền và người nuôi đang ngày đêm kiểm tra, cơi nới đăng lưới, vá lại những chỗ lưới bị cua làm rách để bảo vệ tôm. Ông Lê Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông phấn khởi: “Chúng tôi sẽ rà soát lại cụ thể các vùng ngập quá sâu để chuyển dịch làm một vụ lúa đông xuân rồi một vụ nuôi tôm càng xanh như hiện nay ở xã Phú Thành B. Nghĩa là né lũ bằng phương thức chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi mùa vụ cho hợp lý mà thu nhập cao”.

Tam Nông đã hình thành được vùng nguyên liệu theo hướng tập trung sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tôm càng xanh chất lượng sạch ổn định và bền vững; đăng ký logo, thương hiệu độc quyền “Tôm càng xanh Tam Nông”; ký hợp đồng với các doanh nghiệp để thu mua tôm với giá có lợi cho người nuôi. Hiện, toàn bộ diện tích nuôi tôm mùa lũ của Đồng Tháp trải dài từ huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tháp Mười…, trong đó Tam Nông là trung tâm nuôi tôm mùa lũ. Phấn đấu đến 2015, huyện sẽ đạt 3.000 ha tôm càng xanh mùa nước nổi…

>> Ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: Chúng tôi sẽ chỉ đạo và mời gọi một số viện, trường tiếp tục nghiên cứu làm sao cho con tôm giống chất lượng cao hơn và tỷ lệ đực trong đàn tôm đạt cao để lợi nhuận cao hơn nữa. UBND tỉnh sẽ cố gắng làm sao có một trung tâm sản xuất tôm giống ngay tại huyện Tam Nông.

 

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!