Tối 24/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển triển khai bắn pháo hiệu báo bão tại 5 điểm để kêu gọi tàu thuyền tìm cách tránh, trú bão.
Tối 24/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị tuyến biển triển khai bắn pháo hiệu báo bão TRAMI (Trà Mi) tại 5 điểm
Theo đó, 1.884 phương tiện tàu thuyền với 10.685 lao động, đến 5 giờ sáng 25/10/2024 buộc phải vào bờ để tránh bão Trà Mi.
Thống kê của lực lượng chức năng, hiện có 20 phương tiện với 166 thuyền viên của các tàu hàng đang neo đậu tại cảng ở Thừa Thiên Huế. Cụ thể, có 1 tàu hàng với 9 thuyền viên chở 1.999 tấn bã điều; 19 phương tiện tàu hàng neo đậu tại cảng Chân Mây với 157 thuyền viên; trong đó, có 114 thuyền viên Việt Nam, 43 thuyền viên nước ngoài.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 110/CĐ-TTg, ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó bão TRAMI (Trà Mi).
Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; trong đó, có Thừa Thiên Huế với nội dung: Chiều nay, cơn bão có tên quốc tế là TRAMI đã vượt qua đảo Lu dông (Philippines) vào khu vực bắc biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trên biển Đông trong năm 2024, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tới, bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14-15, di chuyển theo hướng tây về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó có thể ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi và ven bờ các tỉnh khu vực Trung Bộ (từ Hà Tĩnh đến Bình Định) trong khoảng từ ngày 27 – 29/10/ 2024.
Đây là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi do tác động của nhiều hình thế thời tiết trên biển. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra trên đất liền các khu vực Trung Bộ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật lại phương án ứng phó thiên tai, bão lũ trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ.
Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.