Thừa Thiên Huế: Cá dìa nuôi chết do thời tiết thất thường

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, thời tiết thay đổi thất thường làm các chỉ tiêu môi trường ao nuôi biến động lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của thủy sản nuôi và đã ghi nhận hiện tượng cá dìa nuôi trong ao chết rải rác tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang.

Theo thông tin từ UBND xã Phú Hải, từ đầu tháng 9 đến nay, diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng kết hợp mưa giông và đợt mưa lớn mới đây làm một số thuỷ sản nuôi trên địa bàn bị chết rải rác, nhiều nhất là cá dìa.

Trước đó, vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn hộ nuôi thu hoạch toàn bộ thuỷ sản để tránh thiệt hại. Riêng các ao nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm, còn quá nhỏ có thể tiếp tục nuôi, kết hợp với các biện pháp giằng neo lồng bè, kiểm soát, theo dõi các yếu tố môi trường để có biện pháp điều chỉnh, bảo vệ an toàn thuỷ sản trong mùa mưa lũ.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTKNQG

Qua kiểm tra thực tế tại một số ao nuôi cá dìa bị chết rải rác, cá có hiện tượng mòn đuôi và vây, da và mang xuất huyết, trên đuôi có ký sinh trùng bám. Được biết, cá nuôi khoảng 45 ngày tuổi, nuôi xen ghép với tôm trên diện tích 3.000 m2, số lượng giống cá dìa thả 5 vạn con, tương đương mật độ gần 17 con/m2 chưa tính đến tôm, đây là mật độ quá cao.

Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, đơn vị lấy mẫu cá kiểm tra, xét nghiệm cho kết quả: cá bị rận, nhiễm khuẩn. Nhận định nguyên nhân do cá thả nuôi với mật độ dày, nguồn thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ tồn dư ở đáy ao khá lớn. Điều kiện thời tiết thời gian qua đang nắng nóng xen kẽ mưa giông làm các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến cá nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho các loại ký sinh trùng phát triển và ký sinh ở đuôi, vây, mang cá làm cho cá yếu và chết.

Kết quả quan trắc các chỉ tiêu môi trường nước tại 15 điểm vùng đầm phá, ven biển và sông vào giữa tháng 9 mới đây cho thấy, đa số các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nhiệt độ nước khá cao, tiệm cận và vượt 1 – 2oC so với giới hạn cho phép nuôi trồng thủy sản. Chẳng hạn tại điểm nuôi thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (Phú Vang) có độ mặn, pH khá thấp nên lưu ý về việc ngọt hóa làm thủy sản nuôi bị sốc, hoặc xảy ra các hiện tượng bất thường.

Đồng thời, Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo, để có phương án chủ động ứng phó bão, lũ, các địa phương cần thu hoạch toàn bộ, hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm, kết hợp nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao

Người dân cần bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, vệ sinh lồng bè thông thoáng. Khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ, độ mặn ổn định (đối với nuôi lợ mặn). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Các trang thiết bị, hóa chất, vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, thuyền, phao cứu sinh… phải chuẩn bị đầy đủ nhằm chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn khi có tình huống xấu xảy ra.

Sau mưa lũ cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Các yếu tố môi trường nước trong ao, đầm phá, nơi đặt lồng bè nuôi phải được kiểm tra, xử lý đảm bảo các yếu tố môi trường đạt giới hạn cho phép. Đồng thời bổ sung vitamin, hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi…

Mộc Trà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!