T2, 06/07/2020 10:29

Thừa Thiên – Huế: Cần lối mở về vốn vay cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Do điều kiện sinh kế, bà con ngư dân cần phải đóng mới và cải hoán tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

Nhu cầu cần thiết

Tàu cập bến Vinh Thanh (Phú Vang) khi mặt trời vừa ló dạng, vợ chồng anh Nguyễn Bốn tất tả thu dọn ngư lưới cụ rồi bán sản phẩm thu hoạch được sau một đêm khai thác. “Thời điểm này một kg cá trích giá 12 ngàn đồng, cá nục 15 ngàn đồng. Với 30 kg tất cả, sau một đêm bám biển, gia đình tôi thu được khoảng 500 ngàn đồng, trừ chi phí dầu còn khoảng 300 ngàn đồng”. Anh Bốn không vui. Thu nhập vài trăm ngàn đồng sau một đêm khai thác gần bờ đối với 2 lao động là kết quả đáng kể, tuy nhiên, không phải ngày nào cũng như vậy. Nghề khai thác gần bờ những năm qua gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh do nguồn lợi hải sản ven bờ cạn kiệt, giá nhiên liệu tăng cao…. Việc cải hoán tàu là mơ ước của hàng ngàn bà con ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá.

 

Tàu cá có công suất lớn giúp ngư dân yên tâm bám biển, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Trần Hồng, chủ tàu TTH-92566 ở thị trấn Thuận An (Phú Vang), cho biết: “Do tàu có công suất chỉ 35CV, trước đây gia đình tui chỉ đánh bắt thủy sản cách bờ biển khoảng 10 hải lý; 2 giờ sáng xuất phát đến 13 giờ cùng ngày vào bờ, sản phẩm thu được chỉ khoảng vài tạ cá/ngày. Năm 2012, tui đầu tư 200 triệu đồng nâng cấp, cải hoán tàu để đi khai thác xa bờ khoảng 40-50 hải lý”. Tương tự, ông Trần Thoạn, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) khoe: “Gia đình tui có 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất thấp nên gặp nhiều khó khăn trong khai thác thủy sản biển, do nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày một cạn kiệt, khai thác khó, hơn nữa đánh bắt được toàn các loại thủy hải sản giá trị kinh tế thấp. Năm 2010, gia đình tui không những đầu tư cải tiến trang thiết bị mà còn nâng công suất tàu cá lên 200 CV, bám biển dài ngày và đánh bắt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân, mỗi chuyến đi biển 20 ngày, trừ mọi chi phí, lãi trên dưới 100 triệu đồng”. Năm 2012, gia đình ông Thoạn đóng mới thêm 1 chiếc tàu có công suất 350CV, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh cải hoán tàu thuyền, bà con ngư dân còn biết kết hợp để nâng chiều cao và chiều dài lưới vây rút chì, kết hợp với việc sử dụng ánh sáng nên hiệu quả đánh bắt cao hơn. Nhiều ngư dân còn chú trọng đầu tư trang thiết bị dò tìm và xác định luồng cá để thuận lợi trong việc đánh bắt.

 

Cần có lối mở về vốn vay

Ông Võ Giang, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Hậu cần nghề cá cho biết: “Hiện, toàn tỉnh có 1.941 chiếc tàu khai thác biển, trong đó chỉ có 215 chiếc khai thác xa bờ có công suất từ 90CV trở lên. Tàu có công suất thấp chiếm số lượng lớn, nên sản lượng khai thác biển hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Để nâng cao sản lượng khai thác biển tương xứng với tiềm năng sẵn có, trước hết bà con ngư dân phải chuyển đổi hoặc nâng công suất tàu cá từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ. Tuy nhiên, làm được việc đó chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngân hàng có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi với phương thức dùng tàu để thế chấp”.

Ông Ngô Văn Toàn, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết: “Ngư dân muốn vay tiền để đóng mới tàu thuyền hoặc đầu tư mua sắm ngư lưới cụ đều phải thế chấp nhà cửa, tàu thuyền (tàu phải mua bảo hiểm). Tuy nhiên, khi vay vốn để đầu tư đóng mới chiếc tàu 1 tỷ đồng, ngư dân đó phải có vốn tự có là 30%, sau đó cán bộ ngân hàng sẽ thẩm định tài sản để cho vay với số tiền tương ứng trong thời gian 3 năm; lãi suất từ 12-13%/năm”.     

Tuy nhiên, hiện bà con ngư dân tiếp cận với vốn vay rất khó. Đơn cử như ông Trần Văn Hải, ở thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An (Phú Vang). Ông Hải cho biết: “Hiện, gia đình tui có một chiếc tàu công suất thấp không đáp ứng đủ nhu cầu khai thác thủy hải sản trên biển. Đầu năm 2013, gia đình tui tính toán và quyết định đóng mới chiếc tàu công suất 250CV, kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng; trong đó, gia đình giành dụm được gần 1,5 tỷ đồng, còn lại tui đến hỏi vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, sau khi làm thủ tục thế chấp nhà cửa, tàu cá xong ngân hàng chỉ cho vay 70 triệu đồng. Sau khi nghe thông tin đó tui sững sờ luôn, có lẽ không vay nữa. Bởi số tiền ít ỏi đó không giải quyết được gì”.

Tương tự, ông Hải ở vùng đầm phá và ven biển còn có hàng trăm gia đình khát khao được vay vốn để đầu tư đóng mới và cải hoán tàu thuyền, vươn khơi bám biển làm ăn, đồng thời kết hợp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thanh Thuận

Báo Thừa Thiên Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!