Đội tàu 24 chiếc có công suất từ 400 – 900 CV thu mua kết hợp đánh bắt ở những ngư trường xa của thôn Đông Hải (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) đang từng ngày “hái” ra tiền trên biển Đông…
Chuẩn bị mùa đánh bắt mới
Trong cái rét ngọt đầu xuân, về thôn Đông Hải, mới thấy hết không khí tất bật sửa sang tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ cho những chuyến đi biển dài ngày của ngư dân ở đây. Sau thời gian nghỉ, họ lại chuẩn bị ra khơi bắt đầu mùa đánh bắt mới.
Người dân thôn Đông Hải gọi những chủ tàu cá này là những người “một cảnh hai quê”. Bởi, nhà ở xã Lộc Trì, thuyền thì đậu ở bến Cầu Rồng (TP. Đà Nẵng), còn thời gian từ tháng 2 đến tháng 9 (DL) ở suốt mùa trên biển. Họ thu mua cá, kết hợp chiếu đèn ăn chia sản phẩm trên ngư trường với những chủ tàu đánh bắt rồi bán rải rác ở các cảng cá từ Thanh Hóa trở vào Bình Định.
Đội tàu thu mua, đánh bắt xa bờ của Lộc Trì nghỉ ở cầu cảng
Sau một thời gian đưa chiếc thuyền số hiệu TTH 95464, công suất trên 500 CV lên đà sửa chữa, mấy hôm nay, tàu anh Trần Ri (thôn Đông Hải) đang chuẩn bị ra khơi cho vụ cá nục dọng.
Với tầm tuổi tứ tuần, có được chiếc tàu lớn trong tay cùng nhà cửa khang trang ngay cạnh cầu cảng, với anh Ri thật không đơn giản với hành trình bám biển từ chiếc ghọ 90 CV thu mua cá gần bờ đến khi có tàu công suất lớn ra tận ngư trường Trường Sa.
Ngư dân Đông Hải, một năm ra khơi thu mua cá có hai mùa: từ tháng 2 đến tháng 7, chủ yếu thu mua cá xuông, ngừ; những tháng còn lại thu mua cá gai. Tàu anh Ri mỗi chuyến biển mua từ 30 – 40 tấn, đi theo các tàu đánh bắt đến những ngư trường xa như Trường Sa. Mỗi chuyến vào đất liền, tàu anh Ri thường mang 10 tấn hàng hóa (khoảng 500 cây đá, 1.400 lít dầu, 1.600 lít nước ngọt…). Trao đổi hàng hóa xong, tàu anh Ri lại mua cá đánh được từ những tàu đánh bắt, vào đất liền bán. “Bình quân 30 tấn cá gai, mình mua từ biển vào bán với giá 11 – 12 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí lãi từ 60 – 70 triệu đồng, được chia cho chủ tàu và các thuyền viên”.
Ngư dân Trần Ri (bìa phải) chuẩn bị cho một mùa vụ đánh bắt mới
Với ngư dân Trần Dẻo, chủ tàu số hiệu TTH 95483, công suất trên 800 CV, việc đầu tư lưới mùng, máy phụ để chiếu đèn, tăng tần suất thu mua trên biển là cách làm “thức thời”. Tàu anh Dẻo có máy chính công suất trên 600 CV, anh đầu tư mua thêm máy đẩy công suất 200 CV để vừa kết hợp chiếu đèn đánh bắt với các tàu lớn, vừa giảm rủi ro khi máy chính xảy ra sự cố trên biển. Anh Dẻo cho hay: “Đi biển dài ngày nên rủi ro máy móc, kỹ thuật rất cao. Đầu tư thêm máy phụ cùng ngư lưới cụ kết hợp làm ăn giúp ngư dân an tâm, khai thác hiệu quả hơn trên biển”.
Cứ mỗi chuyến biển chiếu đèn tàu anh Dẻo được chia 30% số lượng cá, mực. Kết hợp với thu mua hải sản trên biển, mỗi chuyến tàu anh Dẻo trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng.
Cùng nhau làm giàu
Ở ngay cầu cảng ở thôn Đông Hải, có một “lớp” nhà liền kề khang trang, là thành quả bao năm lao động của ngư dân khai thác, thu mua hải sản xa bờ. Các ngư dân như Trần Ri, Trần Dẻo, Văn Ảnh, Văn Thanh… đều một tay làm thuyền trưởng, ngang dọc trên biển, xây dựng nhà cửa, chăm lo cho con cái học hành. Nói như ông Trần Vẹm, phụ trách Hội nghề cá xã Lộc Trì: “Mỗi mùa trăng thu nhập từ biển cũng cao mà chi phí cũng lớn. Bởi thế, mỗi năm đi biển, bình quân tàu cá ở đây không lãi được 500 triệu đồng là bỏ”.
Những căn nhà khang trang nơi “phố biển” Đông Hải là thành quả lao động của ngư dân
Trong câu chuyện những ngày đầu năm, chuẩn bị ra khơi bắt đầu mùa vụ mới ở thôn Đông Hải, ngư dân thường nhắc đến nhiều nhất là những lần tương trợ nhau trên biển.
Cách đây chừng một năm, tàu anh Trần Thái, công suất 90 CV thu mua 15 tấn cá đang trên đường vào Đà Nẵng thì tàu bị gió lớn đánh nước ngập thuyền. Nhận được tin báo, ngư dân trong đội tàu ở Đông Hải gần 10 chiếc đều bỏ ngang chuyến biển đến ứng cứu kịp thời. Ngư phủ Trần Ri nhớ lại: “Tàu chở cá đã thối rữa, muốn trục vớt thì phải lấy số hải sản ra. Anh em quần quật làm từ 3 – 4 giờ chiều đến 2 giờ sáng. Suốt 4 ngày như thế mới cứu được tàu”.
Gần đây nhất tàu anh Trần Ri cùng tàu ông Trần Hòa chở mỗi thuyền 25 tấn cá đang trên đường vào bờ thì bị hỏng chân vịt do va vào cây gỗ trôi nổi trên biển. Nhận tin báo, anh em trong đội tàu liền lai dắt tàu bị nạn vào bờ kịp thời. “Nhờ thế tàu tui, tàu ông Hòa đã bán được số hải sản không bị hỏng, chuyến biển vẫn còn lãi, anh Ri trải lòng.
>> “Toàn xã có 87 phương tiện đánh bắt thủy hải sản công suất từ 150 CV trở lên, trong đó có 24 tàu chuyên thu mua, đánh bắt xa bờ, công suất từ 400 đến 920 CV, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 5.000 tấn. Ngoài một số ngư dân được hỗ trợ đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, hiện nay ở địa phương có thêm 4 chủ tàu cá đang đóng mới tàu ở Đà Nẵng từ nguồn vốn tự có, công suất từ 700 – 900 CV”, ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì thông tin. |