T2, 06/07/2020 10:09

Thừa Thiên Huế: Chuyển biến mạnh mẽ ngành khai thác hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.635 tàu đánh bắt hải sản, trong đó tàu trên 90 CV chiếm 226 chiếc, tăng 1,4 lần so năm 2007. Những tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ đem lại hiệu quả tích cực, giúp ngư dân vươn lên làm giàu. 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác hải sản đạt 23.524 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên Huế, có được kết quả trên là nhờ ngư dân đã đẩy mạnh thành lập 60 “Tổ đoàn kết trên biển”. Anh Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) cho biết tham gia các tổ đoàn kết, các tàu cá thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường và phân công về hậu cần, vì vậy các chủ tàu cũng vững tin hơn mỗi khi ra khơi, sản lượng đánh bắt cũng cao hơn rất nhiều. 

 

Tại TT. Huế đã có 60 tổ đoàn kết trên biển được thành lập – Ảnh VGP/Thế Phong

Đẩy mạnh phát triển tổ đoàn kết 

Mô hình tổ đoàn kết phát triển mạnh trong hai năm trở lại đây. Các tổ đoàn kết này thực hiện đánh bắt theo phương thức “ba cùng”, tức cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng họ hàng thân thích, để tăng cường sự liên kết và tăng thêm sức mạnh trong khai thác, đánh bắt hải sản trên các ngư trường xa bờ, giảm thiệt hại khi có thiên tai.  

Ngoài ra, các chủ tàu cũng mạnh dạn đầu tư trang thiết bị dò tìm, xác định luồng cá, máy liên lạc tầm xa. Bình quân mỗi tàu được đầu tư khoảng một tỷ đồng để trang bị máy móc, chính vì vậy, sản lượng đánh bắt tăng lên hằng năm, bình quân mỗi tàu khai thác được 100 tấn thủy sản/năm, doanh thu đạt hơn một tỷ đồng. Bên cạnh phát triển tàu đánh cá xa bờ, mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được người dân chú trọng. Đến nay, Thừa Thiên Huế có hơn 45 tàu tham gia tổ dịch vụ thu mua hải sản trên biển.  

Thừa Thiên Huế là địa phương ven biển bị ảnh hưởng lớn của bão nhiệt đới hằng năm, do đó, công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có bão được tỉnh quan tâm đầu tư. Cùng với các âu thuyền nhỏ vùng ven biển, tỉnh đã hoàn thành xây dựng âu thuyền kết hợp cảng có có quy mô lớn tại Tư Hiền có sức chứa 500 tàu từ 20CV đến 300CV, bến Phú Hải có sức chứa 500 tàu từ 20-500CV, và tới đây sẽ xây dựng thêm khu neo đậu tại Cầu Hai với tổng mức đầu từ 58,7 tỷ đồng, có khả năng tiếp nhận 420 tàu từ 35CV – 300CV vào tránh trú bão. 

Không dừng lại ở đó, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh đã có bước phát triển, góp phần tạo đầu ra ổn định cho hàng nghìn tàu cá. Theo thống kê, sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu của TT Huế năm 2011 đạt giá trị 16,1 triệu USD, tăng 2,1 lần so năm 2007. Các làng nghề chế biến trong dân phát triển nhanh, toàn tỉnh có khoảng 330 cơ sở chế biển thủy sản với sản lượng hơn 1,5 triệu lít nước mắm/năm, gần 1,5 tấn mắm các loại và hơn 100 tấn thủy sản khô.  

Không “tiểu nông – đất liền” cho quyết tâm “vươn biển lớn” 

Ðại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng cái ngư dân cần hiện nay là có quỹ tương trợ để chia sẻ khó khăn khi gặp rủi ro, hoạn nạn. Đồng thời cần quy định bắt buộc chủ tàu, thuyền viên mua bảo hiểm nhằm giảm bớt rủi ro khi ra khơi đánh bắt. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần chú trọng hơn công tác hỗ trợ thông tin, cứu hộ cứu nạn kịp thời cho tàu đánh bắt ở vùng biển xa; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo cho ngư dân… 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên Huế, môi trường biển ngày càng khắc nghiệt, ngư dân không thể ra khơi với công nghệ lạc hậu, vì vậy cần chú trọng đầu tư các trang thiết bị hiện đại trên tàu cá như: bảo quản sản phẩm, thiết bị liên lạc, thiết bị dò tìm, đánh bắt cá… 

Bên cạnh đó, không thể áp dụng tư duy “tiểu nông – đất liền” cho quyết tâm “vươn ra biển lớn” được, do vậy cả nhà quản lý và ngư dân cần phải thay đổi tư duy, phải hiểu biết thật sự và đối mặt với biển, phải có bản năng chinh phục biển và chế ngự biển khơi.  

Về lâu dài, để ngư dân sản xuất hiệu quả, cần có nhiều chính sách ưu việt hơn nữa, nhất là chính sách về chế biến, hậu cần, thị trường đầu ra cho hải sản sau đánh bắt; chính sách cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất; tăng cường các lực lượng bảo vệ, hướng dẫn để ngư dân yên tâm vươn khơi xa trong vùng biển để làm giàu cho bản thân, và đất nước. 

Thế Phong

chinhphu.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!