Một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng do cửa biển bị bồi lấp, nguồn nước ngọt hóa là gia đình anh Lê Viết Khánh ở thôn Hải Bình. Năm 2011, anh Khánh đầu tư hàng chục triệu đồng nuôi tổng cộng gần 20 lồng cá, ốc và vẹm xanh. Đến khi bước vào vụ thu hoạch nhưng vẫn chưa thể xuất lồng, hiện gần 80% thủy sản nuôi trồng của gia đình anh đã mất trắng. Cá, ốc,… chết dần khiến cả chục lồng nuôi phải phơi nắng phơi mưa. "Mấy năm trước một vụ nuôi cá mú, cá hồng tôi lãi ròng cả trăm triệu đồng, giờ không hiểu sao gần đây cá chết hàng loạt, thua lỗ mãi, tôi thà dẹp lồng nuôi còn hơn tiếp tục bị thua lỗ”, Anh Khánh cho biết.
Cửa biển Tư Dung bồi lắng, đầm Hải Phú giờ không còn tấp nập cảnh bà con nuôi trồng thủy sản như trước
Khu đầm Hải Phú trải dài với diện tích trên 60 ha qua địa bàn 2 xã Lộc Bình và Vinh Hiền lâu nay vốn là nơi nuôi trồng thủy sản của hàng trăm ngư dân nơi đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số thủy sản nuôi trồng của bà con liên tục chết trắng, nhiều gia đình cố cầm cự với nghề nhưng cũng không được bao lâu. Không riêng gì ngư dân mà nhiều công ty đầu tư trang trại nuôi trồng thủy sản ở khu vực đầm Hải Phú cũng thua lỗ tương tự. Nhiều lồng nuôi ngọc trai của công ty Ngọc Việt từ nhiều tháng nay luôn trong cảnh phơi lồng, hồ bỏ hoang. Đặc biệt đây là trang trại nuôi ngọc trai lớn nhất tỉnh TT- Huế, hàng năm giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Ông Phạm Đình Toại, giám đốc công ty Ngọc Việt cho biết: Năm 2009, cơ sở đầu tư 1 triệu con trai cho sản phẩm ngọc chất lượng khá tốt. Thế nhưng, chỉ hơn nửa năm nay số trai nuôi bị chết hơn 90%, ước thiệt hại gần chục tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Thế Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết, tình trạng thủy sản chết hàng loạt là do cửa biển Tư Dung bị bồi lắng khiến nguồn nước bị ô nhiễm, ngọt hóa. Hàng trăm ngư dân nuôi trồng thủy sản tại địa phương thua lỗ, hết vốn không trụ nổi với nghề đành tìm việc khác mưu sinh. Ông Lương Thế Vĩnh cho biết thêm, kết quả thống kê từ UBND xã Lộc Bình cho thấy, nguồn nước ở đầm Phú Hải bị giảm độ mặn từ 30/1.000 xuống còn 0/1.000.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có buổi làm việc, kiểm tra tại xã Lộc Bình, chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương rà soát lại việc tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản trong vùng; về lâu dài, có giải pháp xử lý môi trường và giảm thiểu tác hại của chất thải từ các hồ nuôi tôm đối với môi trường. Đồng thời, yêu cầu nghiên cứu các giải pháp tối ưu, phù hợp để khắc phục tình trạng ngọt hóa trên đầm Phú Hải.
Hàm Dương
Theo Đại Đoàn Kết